Chờ thương mại hóa 5G

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2024 | 8:45:39 AM

Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ 5G ở 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện đã có 2 nhà mạng là Viettel và VNPT-VinaPhone đấu giá thành công khai thác băng tần 5G. Việc thương mại hóa, phát triển 5G đang được doanh nghiệp, người dùng chờ đón.

Viettel đã có nhiều thử nghiệm để đưa công nghệ 5G vào ứng dụng trong đời sống. Ảnh: TẤN BA
Viettel đã có nhiều thử nghiệm để đưa công nghệ 5G vào ứng dụng trong đời sống. Ảnh: TẤN BA

Hướng đến những khu vực tập trung

Từ năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thí điểm ứng dụng 5G. Đến năm 2022, nhiều người dùng đã trải nghiệm công nghệ 5G trên điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, mục tiêu của 5G mới hướng đến là những khu vực tập trung.

Điển hình là Viettel thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng (5G Private Mobile Network - 5G PMN) cho nhà máy Pegatron tại TP Hải Phòng, cho thấy hướng phát triển của công nghệ này. Đây là nhà máy thông minh, được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp. 5G PMN kết nối các ứng dụng như thực tế tăng cường cho cuộc gọi video trên Public Cloud (điện toán đám mây công cộng); ứng dụng cho dây chuyền sản xuất (Assembly Station); quản lý hoạt động kiểm thử sản phẩm; giám sát trực tiếp quá trình sản xuất… giúp nhà máy Pegatron giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, kiểm soát tốt các quy trình nhờ thu thập dữ liệu theo thời gian thực.

Ứng dụng 5G khu trú một khu vực tập trung đã được nhiều khu du lịch, khu công nghiệp, đô thị trên thế giới khai thác, tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết cho Big Data, cho phép tất cả các đối tượng được kết nối vạn vật. Từ đây, việc quản lý hết sức dễ dàng và đơn vị quản lý có thể nhận được báo động từ nhiều điểm trong thời gian thực. Các chuyên gia cho rằng, 5G PMN là một xu thế phát triển nhanh trên thế giới, đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho tàng, bến cảng, sân bay... vốn đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy.

Tại Việt Nam, hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logistics có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, khu kinh tế trong cả nước, nên việc ứng dụng 5G PMN kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế nói chung. "Đối với VNPT-VinaPhone, triển khai công nghệ 5G sẽ là cơ hội để gia tăng doanh thu và đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường nhằm thay đổi trải nghiệm hiện hữu cho người dùng. Về lâu dài, 5G sẽ khai mở không gian kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban công nghệ, Tập đoàn VNPT, chia sẻ.

Cá nhân vẫn có nhu cầu

Thông tin tại hội nghị "5G Beyond Growth - Bứt phá tăng trưởng cùng 5G” diễn ra vào tháng 2-2024 cho thấy, hơn 20% nhà mạng 5G toàn cầu đã áp dụng mô hình Định giá theo tần tốc độ để phát triển thuê bao 5G cá nhân. Tại Thái Lan, với tiện ích bổ sung cho người dùng di động là chế độ tăng tốc 5G, cho phép thuê bao chọn các mức tốc độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tốt nhất, giúp nhà mạng tăng chỉ số ARPU (Average Revenue Per User - doanh thu trung bình trên một khách hàng) lên khoảng 23%.

Tính đến cuối năm 2023, hơn 300 mạng 5G thương mại đã được triển khai trên khắp thế giới. Sau 5 năm thương mại hóa kể từ năm 2019, đã có hơn 1,5 tỷ người dùng sử dụng 5G trên toàn thế giới, trong khi 4G phải mất 9 năm để biến điều này thành hiện thực.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, đến nay, Viettel và VNPT-VinaPhone vẫn chưa có các thông tin phát triển thuê bao 5G cho người dùng cá nhân, dù đã thử nghiệm với tốc độ vượt trội.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, cho biết: "So với các nước đã triển khai thương mại 5G thì Việt Nam có thể hơi chậm. Trong khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… đã triển khai 5G. Nếu so với yêu cầu có ứng dụng, giá thành thiết bị đầu cuối và hiệu quả kinh tế thì Việt Nam đang có nhiều cơ hội thúc đẩy 5G”. Một chuyên gia viễn thông cũng nhận định: "Cơ hội trước mắt là các nhà mạng nên tập trung vào 4 yếu tố: mạng chất lượng cao, kinh doanh đa chiều, các dịch vụ mới nổi và trí tuệ nhân tạo tạo sinh để nắm bắt những cơ hội khi phát triển 5G”.

Nếu như với mạng 2G, 3G và 4G, khách hàng chủ yếu là người dùng cá nhân (mô hình B2C) thì với 5G, khách hàng lại chủ yếu là doanh nghiệp (mô hình B2B). Vì vậy, để phát triển thuê bao cá nhân, nhà mạng cần có những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Và như vậy, giá trị khai thác 5G được mở rộng thông qua các phương án sử dụng sáng tạo và có tiềm năng.

"5G sẽ là nền tảng hạ tầng quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, 5G sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cung cấp trải nghiệm băng thông rộng di động nâng cao cho người dùng cũng như nâng cao công suất của các hệ thống mạng để quản lý lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng và theo thời gian, 5G được khai thác tốt cho doanh nghiệp thông minh”, bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, nhấn mạnh.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking tại điểm giao dịch xã.

Từ ngày 1/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai chính thức ứng dụng VBSP Smart Banking đến các khách hàng; trong đó, ưu tiên các đối tượng khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai hiệu quả các ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý thông tin KCB... góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo sự đổi mới cho hệ thống y tế, thúc đẩy CĐS hướng tới phát triển y tế thông minh.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) năm 2024. Hoạt động nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của và nguồn lực sẵn có của hai đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái đến năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục