Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Xác định, trong công cuộc số hóa, chuyển đổi số (CĐS) của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, người nông dân sẽ là trung tâm và là động lực phát triển, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ CĐS , nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức như: nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ…
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đã tham luận về giải pháp thúc đẩy số hóa các ngành hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường; ứng dụng Đề án 06 thúc đẩy số hóa nền nông nghiệp; nút thắt và kiến nghị chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã công nghệ tham gia thúc đẩy số ngành nông nghiệp. Các địa phương cũng nêu ra các thuận lợi, khó khăn, kiến nghị nhằm thúc đẩy số hóa trong nông nghiệp tại địa phương.
Yên Bái đã có nhiều giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết, thực hiện công tác CĐS nói chung và CĐS trong nông nghiệp nói riêng, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được tổ CĐS cộng đồng. Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Trung tâm CĐS trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp.
Hiện tại 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang, sóng 4G được phủ đến 94% dân số; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập internet và ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Riêng thúc đẩy số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện công tác CĐS trong lĩnh vực quản lý sản xuất nông nghiệp và đạt được những kết quả nhất định. CĐS đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; CĐS, công nghệ thông tin giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các kinh nghiệm, kiến thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; lựa chọn được giống và vật tư nông nghiệp một cách dễ dàng. Công nghệ thông tin cũng giúp tự động hóa, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giúp kiểm soát minh bạch hơn về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp...
Ngoài ra, Yên Bái đã có nhiều giải pháp chuyển đổi số được áp dụng trong nông nghiệp như: hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Thác Bà; hệ thống đo mưa tự động tại các địa phương trong tỉnh để phục vụ cảnh báo thiên tai; sử dụng, vận hành trạm thu ảnh viễn thám MODIS để phát hiện cảnh báo và thông tin điểm cháy đến các chủ rừng...
Để thúc đây số hóa ngành nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp đồng thời có các giải pháp để thu thập, quản lý, và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, đồng bộ từ việc theo dõi thời tiết, quản lý sản xuất nông nghiệp, đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc; tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp, kịp thời, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp, bao gồm cơ sở dữ liệu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi...; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; ưu tiên phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại; tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại Hội nghị để tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp.
Văn Thông