Nhằm tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trí Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh cho biết: "Với nguyên tắc 5 rõ "rõ việc, rõ người, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ nguồn lực”, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 27/3/2024 về CĐS tỉnh Yên Bái năm 2024. Trong đó, chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS tỉnh Yên Bái năm 2024 tập trung vào 34 chỉ tiêu cụ thể, 45 nhiệm vụ trọng tâm; duy trì thực hiện và khuyến khích nhân rộng 14 mô hình, đồng thời tổ chức triển khai 35 phần việc, dự án và 9 nhóm giải pháp.
Trong quá trình thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc "5 rõ” gắn với bố trí nguồn lực phù hợp, các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Do vậy, hết tháng 3/2024, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch CĐS năm 2024 đảm bảo bám sát kế hoạch của tỉnh và thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình”.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về CĐS, thông qua nhiều hình thức như: đăng tải thông tin, bộ nhận diện, biểu trưng, khẩu hiệu, thông điệp, video clip về CĐS; đưa các tin, bài tuyên truyền trên cổng, trang thông tin điện tử; các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cấp cơ sở; chuyên trang về CĐS
https://chuyendoiso.yenbai.gov.vn, Bản tin CĐS tỉnh và website, fanpage của các sở, ban, ngành và 9 UBND huyện, thị xã, thành phố. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đăng tải tổng số gần 3.000 tin, bài, phóng sự, tọa đàm, phỏng vấn tuyên truyền về nội dung CĐS.
Song song với đó, Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như: trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử và 3 cổng chào điện tử do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý; thông tin trên 9 nhóm Zalo thông tin cơ sở của 9 huyện, thị xã, thành phố. Hết năm 2023 đến nay, kênh Zalo CĐS tỉnh Yên Bái đã có trên 5.000 người theo dõi, đã đăng tải gần 400 tin, bài, với trên 13.000 lượt người quan tâm, truy cập.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về kiến thức CĐS dành cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái. Đã có 13.498 cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự thi, với 23.094 lượt người dự thi. Bên cạnh đó, phát động mô hình thí điểm
"Bình dân học AI”; ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số tỉnh với tổ CĐS cộng đồng cấp xã trong việc phát triển khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm số…
Điển hình trong thời gian qua, các địa phương có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: thành phố Yên Bái tổ chức các đợt cao điểm hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; huyện Văn Yên ra mắt Bộ phận Phục vụ hành chính công số; huyện Trấn Yên ra mắt xã thông minh, thôn thông minh…
Cùng với đó, chú trọng về nhân lực số, 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo còn đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn, hướng dẫn cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ CĐS cộng đồng trên địa bàn tỉnh với trên 400 học viên tham gia. Nội dung chủ yếu hướng dẫn, sử dụng nền tảng trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, viên chức; kỹ năng điều khiển một số nền tảng AI; kỹ năng sử dụng công cụ số phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về hình ảnh đất và người Yên Bái, về du lịch Yên Bái trên môi trường mạng… Do vậy đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt chỉ tiêu 74% cán bộ, công chức được đào tạo, tập huấn trực tuyến về kỹ năng, kiến thức CĐS, an toàn thông tin mạng; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận kiến thức CĐS, kỹ năng công nghệ số.
Có thể thấy, việc đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về CĐS đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số… Từ đó, cộng đồng dần hình thành thói quen tích cực, chủ động tham gia ứng dụng CĐS trong mọi mặt đời sống xã hội.
Trần Minh