Ngày 18-7, Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) tổ chức tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?”.
Theo lộ trình dừng mạng di động 2G tại Việt Nam mà Bộ TT-TT ban hành, từ ngày 16-9-2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết Bộ TT-TT xác định công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ, tuy nhiên 2G là công nghệ cũ hơn.
Hầu hết thiết bị mạng 2G của các doanh nghiệp di động đều đã hết khấu hao, đa phần là các thiết bị lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu suất sử dụng tần số không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa.
Do vậy, chủ trương dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận và thể hiện tại thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz.
Ngoài ra, dựa trên việc triển khai mạng 3G, việc sử dụng tần số của doanh nghiệp, hiện nay đã có doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch dừng công nghệ 3G.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết việc dừng công nghệ 2G được theo 2 pha cụ thể như sau: Pha 1 là tháng 9-2024 dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only). Pha 2 là tháng 9-2026 dừng hệ thống 2G.
Hiện nay, các doanh nghiệp dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G tại các khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G. Việc dừng hoàn toàn công nghệ 3G sẽ được thực hiện vào tháng 9-2028.
Thống kê từ Cục Viễn thông cho thấy tính đến thời điểm tháng 5-2024, số thuê bao 2G Only còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm tỉ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc.
Hiện nay, theo kế hoạch thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, các doanh nghiệp di động đã báo cáo dự kiến số thuê bao 2G Only đến tháng 9-2024 giảm về 0 hoặc còn số lượng chiếm dưới 5% tổng số thuê bao di động của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy quá trình tắt sóng, Bộ TT-TT đang xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông để triển khai việc hỗ trợ qua quỹ viễn thông công ích.
Bộ TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động ngoài việc thực hiện giải pháp hỗ trợ thuê bao 2G Only phải xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cá thể hóa công tác truyền thông và hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cũng đã làm việc với UBND một số tỉnh, chỉ đạo các Sở TT-TT các tỉnh thành phố tham mưu cho Lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố sử dụng các nguồn hợp pháp trên địa bàn để hỗ trợ người sử dụng, đặc biệt là người sử dụng yếu thế.
Về lo ngại lộ trình chuyển đổi này có thể bị nghẽn khi khách hàng giao dịch vào ngày cuối, đại diện Vinaphone khẳng định không xảy ra tình trạng này, bởi đơn giản người dân chỉ cần đổi điện thoại, thay SIM là có thể chuyển đổi.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, khẳng định nhà mạng này sẽ triển khai tiếp cận chuyển đổi từ nhiều kênh, vì vậy không lo nghẽn giao dịch như một số chương trình đã thực hiện như trước đây.
(Theo NLĐO)