Bám sát chỉ đạo của tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình về CĐS, UBND xã Cảm Ân đã ban hành kế hoạch thực hiện CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, xã chỉ đạo triển khai hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giúp giảm các thủ tục không cần thiết cũng như tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt phần mềm VNeID mức độ 2, thường xuyên mở các hội nghị, lớp tập huấn để giúp người dân tiếp cận với không gian số… đã giúp nhân dân sử dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua môi trường mạng.
Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch UBND xã Cảm Ân chia sẻ: "Việc CĐS được đẩy mạnh là bước đệm quan trọng giúp người dân trong xã tiếp cận với môi trường kinh doanh mới, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và tích cực tham gia các nhóm, hội hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trong xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới giúp giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương từ làm nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ, điển hình như: bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử, vận chuyển hàng hóa, sáng tạo nội dung số… Đặc biệt, lực lượng thanh niên chiếm phần đông, vì có kỹ năng công nghệ, nên dễ dàng tìm kiếm việc làm, chọn nghề nghiệp, phương thức làm ăn mới cho thu nhập cao”.
Điển hình là gia đình chị Lại Thị Hằng ở thôn Đoàn Kết đã áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống kết hợp với kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội được hơn 2 năm. Theo chị Hằng, kinh doanh online giúp đơn hàng của gia đình tăng từ 4 đến 5 lần so với kinh doanh truyền thống; gia đình chị giờ phải thuê thêm 5 lao động thời vụ, mức lương từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chị Hằng phấn khởi chia sẻ: "Kinh doanh các mặt hàng đồ gia dụng từ năm 2007 đến nay, tôi nhận thấy hầu hết các cửa hàng dần chuyển sang hình thức bán hàng qua mạng xã hội, chia sẻ các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp khách hàng ở nhiều nơi tiếp cận được sản phẩm. Kinh doanh truyền thống ở địa phương chỉ bán được 20 bộ chăn ga/tháng thì nay khách hàng ở các xã bạn, huyện bạn và cả ngoài tỉnh cũng đặt mua nên có tháng gia đình bán được hàng trăm bộ. Để có được điều này, bản thân tôi đã chủ động tham gia, học hỏi từ nhiều bạn bè, hội nhóm thường xuyên kinh doanh online”.
Tiên phong trong công tác CĐS của huyện, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình đã ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với ngành công an triển khai mở rộng mô hình Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.
Theo bác sĩ Hoàng Minh Đô – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, việc triển khai công tác khám, chữa bệnh bằng bệnh án điện tử đã được Trung tâm thực hiện từ cuối năm 2023 và đã cho hiệu quả rất tích cực. Người bệnh thấy thoải mái hơn khi chỉ cần mang theo căn cước công dân là có thể đăng ký khám, chữa bệnh một cách dễ dàng. Việc trả kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cũng được gửi đến phần mềm khám, chữa bệnh trên điện thoại của người bệnh giúp họ dễ dàng nắm bắt, ghi nhớ, lưu trữ và phục vụ hiệu quả trong công tác khám, điều trị trong thời gian tiếp theo. Có thể khẳng định, việc triển khai bệnh án điện tử đã giúp công tác khám, chữa bệnh của Trung tâm được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức hơn trước rất nhiều. Người bệnh đến với Trung tâm nhiều và thuận lợi hơn trước”.
Với quan điểm nhất quán CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, thời gian qua, huyện Yên Bình đã tập trung thực hiện hiệu quả Đề án "CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2030” trên cơ sở sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Huyện xác định, việc thực hiện CĐS được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với quan điểm "Lấy người dân làm trung tâm của quá trình CĐS”, Yên Bình đã tập trung chỉ đạo CĐS trong các hoạt động, đời sống thường ngày, đem đến tiện ích thiết thực để người dân thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, một trong những tiện ích từ CĐS mà nhiều người dân có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất, đó chính là những tác động đến từ kinh tế số. Trong đó, hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện tại, huyện Yên Bình đã phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đưa 44 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của 21 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất lên sàn giao dịch Vỏ Sò và Postmart. Nhờ có sự hỗ trợ giao dịch đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử mà các sản phẩm của người dân được tiêu thụ khắp thị trường trong toàn quốc, góp phần tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu sản phẩm của người dân.
Với những giải pháp đồng bộ, đến thời điểm này, huyện Yên Bình đã hoàn thành 66/139 mục tiêu CĐS năm 2024 và đạt 28/40 mục tiêu theo tiêu chí huyện CĐS. 100% xã, thị trấn thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Trên địa bàn huyện có 49,1% người dân đạt tiêu chí công dân số; 177/177 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã triển khai lắp đặt mạng Wifi tốc độ cao, trong đó có 91% nhà văn hoá đạt mô hình nhà văn hoá số.
Yên Bình cũng là địa phương đầu tiên triển khai hệ thống máy tính hỗ trợ nhân dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến tại bộ phận một cửa cấp xã; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp huyện, xã được xác thực điện tử và 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông, Yên Bình sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện CĐS, huyện nông thôn mới thông minh của tỉnh Yên Bái góp phần thúc đẩy phát triển.kinh tế - xã hội địa phương.
Hoài Văn