Hiệu quả mô hình “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2025 | 8:55:37 AM

YênBái - Sau hơn 3 năm thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS), huyện Văn Yên có nhiều cách làm mới sáng tạo, nổi bật là triển khai có hiệu quả các mô hình CĐS đặc trưng đã mang lại kết quả quan trọng. Kết thúc năm 2024, Văn Yên là 1 trong 17 tập thể thuộc các bộ, ngành, địa phương trong cả nước và là huyện duy nhất của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

“Tổ CĐS cộng đồng” trong ngày ra mắt của thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.
“Tổ CĐS cộng đồng” trong ngày ra mắt của thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.


Một trong những mô hình CĐS đặc trưng của huyện đã triển khai mang lại hiệu quả tích cực là mô hình "Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn”. Văn Yên là huyện đầu tiên xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình này. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ CĐS cộng đồng cấp xã với 321 thành viên; 100% số thôn, tổ dân phố thành lập tổ CĐS cộng đồng cấp thôn với 1.322 thành viên; 100% tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn đã tạo nhóm Zalo để trao đổi thông tin, triển khai nhiệm vụ được giao… 

Tổ CĐS cộng đồng các cấp duy trì hoạt động theo tinh thần tự nguyện của các thành viên đã phát huy tốt vai trò, tích cực, chủ động hỗ trợ chính quyền cơ sở triển khai hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số đến người dân như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, các ứng dụng về y tế, giáo dục, YenBai-S, Sổ tay đảng viên điện tử... 

Đồng chí Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Với mục tiêu mỗi người dân là một công dân số, Văn Yên đã xây dựng kế hoạch và phát động phong trào triển khai Chiến dịch "Phát triển công dân số từ khu phố đến bản làng” tại 100% xã, thị trấn từ giữa năm 2023. Đến nay, tỷ lệ công dân đạt cả 6 tiêu chí công dân số là trên 90%, phấn đấu đến hết năm 2025 tăng lên 95%”. Kết hợp với mô hình "Tổ CĐS cộng đồng”, huyện đã xây dựng mô hình "Tiết học CĐS”, "5.000 cha mẹ học sinh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình”. 

Theo đó, các giáo viên sẽ hướng dẫn phụ huynh lập tài khoản dịch vụ công, sau đó phụ huynh trực tiếp sử dụng tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị xét tuyển sinh cấp THCS; nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị xét duyệt chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, THCS ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. 

Đến nay, số lượng cha mẹ học sinh có con em thuộc diện hỗ trợ khoảng 5.000 người đều đã lập xong tài khoản dịch vụ công và đang nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến theo tiến độ giải quyết chế độ. Một trong những mô hình mang lại nhiều tiện ích là mô hình chợ 4.0 tại chợ trung tâm thị trấn Mậu A. Với mô hình chợ 4.0, các tiểu thương được trang bị mã QR Code, kết nối với các ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến. 

Người dân có thể mua bán mọi mặt hàng mà không cần dùng tiền mặt. Chợ 4.0 đã góp phần thúc đẩy hoạt động CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm. 

Với mô hình "Tổ CĐS cộng đồng” duy trì tốt như hiện nay, có thể khẳng định công tác CĐS ở Văn Yên được triển khai quyết liệt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, là điểm sáng trong thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2024, toàn huyện đã cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho 80% dân số; cài đặt ứng dụng YenBai-S trên 50% dân số; 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản mô hình "Cơ quan CĐS”; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4; giải quyết các thủ tục hành chính phát sinh theo mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; 100% cán bộ, công chức được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin giải quyết việc công…

Cùng với hiệu quả tích cực từ mô hình "Tổ CĐS cộng đồng” gắn với phương châm CĐS toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, huyện Văn Yên đang từng bước phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS ở cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong tương lai không xa.

Thiên Cầm

Tags Yên Bái huyện Văn Yên chuyển đổi số

Các tin khác
Nhân viên VNPT Yên Bái hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng thanh toán điện tử VNPT Pay.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị đề ra, Điện lực thành phố Yên Bái đã, đang từng bước số hóa toàn bộ lưới điện trên bản đồ, toàn bộ hồ sơ, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch...

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu tìm hiểu về các khóa học tại Trung tâm nghiên cứu.

Ngày 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm tới thăm Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, cũng là ngày khai giảng khóa đào tạo thiết kế bán dẫn chuyên sâu đầu tiên tại trung tâm.

Thanh niên huyện Văn Yên hướng dẫn người dân tham gia trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội lịch sử để Yên Bái bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên – những người chủ tương lai của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng chính sách đang được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đẩy mạnh, đặc biệt tại huyện Yên Bình, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục