Hôm nay Quốc hội thảo luận về phát triển trí tuệ nhân tạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2025 | 9:29:52 AM

Ngày 9/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có nhiều chính sách đột phá về phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.

Chủ tịch nước Lương Cường tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 8/5.
Chủ tịch nước Lương Cường tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 8/5.

Theo dự thảo, trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển nhằm phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm; nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, thúc đẩy thông minh hóa. Việc sử dụng AI đảm bảo công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị dân tộc, đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư.

Về các nguyên tắc an toàn, việc sử dụng AI bảo đảm minh bạch, khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo; không vượt qua tầm kiểm soát của con người. Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm sử dụng AI bảo đảm an ninh và bảo mật; quản lý dựa trên rủi ro trong suốt vòng đời của trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

Giải trình, tiếp thu dự án luật, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng cần xác định rõ các tiêu chí với trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao; bổ sung quy định về hạn chế rủi ro. Việc phát triển AI cần vận dụng chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Sản phẩm được tạo ra bởi AI phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng.

Theo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của Liên minh Châu Âu, danh mục hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao được xác định trên cơ sở mức độ ảnh hưởng sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tiếp thu nội dung này, dự thảo luật đã bổ sung quy định những tiêu chí cơ bản và giao Chính phủ quy định cụ thể về phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý hệ thống trí nhân tạo có tác động, rủi ro cao để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành.

Siết quản lý tài sản mã hóa

Một trong những nội dung quan trọng của dự luật là quy định về tài sản mã hóa. Đây là một loại tài sản số sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số khác tương tự để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao.

Tài sản mã hóa không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính. Việc quản lý tài sản số bao gồm tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu tài sản số.

Cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phòng, chống rửa tiền, khủng bố; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản số. Ngoài ra, hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa, phát hành tài sản mã hóa phải tuân thủ điều kiện kinh doanh cụ thể.

Thẩm quyền, quản lý với tài sản số, tài sản ảo trên môi trường điện tử, tài sản mã hóa trong lĩnh vực chuyên ngành được thực hiện theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức làm việc với các cơ quan hữu quan gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Blockchain.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung các khái niệm, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, các mã thông báo, tiền pháp định, tài sản tài chính và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan.

Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Cùng với đó, dự luật cần bổ sung những chế tài để làm sao hạn chế rủi ro và xử lý được những thách thức về quản lý trong không gian mạng như hiện nay.

Sáng 9/5, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các dự án luật: Quy hoạch; Doanh nghiệp. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Thông qua trung tâm giám sát an toàn không gian mạng của tỉnh, Trung tâm Chuyển đổi số đã đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thông tin mạng trên hệ thống máy tính của cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành, các thành phố, huyện trên địa bàn.

Những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển hạ tầng và các trụ cột chuyển đổi số, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, coi đây là khâu then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững.

Cán bộ Sư đoàn 363 tham quan mô hình “Ứng dụng mã QR trong giáo dục kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở”.

Tại Hội thao mô hình, học cụ huấn luyện năm 2025 của Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân) vừa tổ chức, mô hình 'Ứng dụng mã QR trong giáo dục kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở' do Thượng úy Quàng Văn Cường, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 181, Trung đoàn 213 sáng chế, được ban giám khảo đánh giá, chấm điểm cao.

Hội thảo “Chuyển đổi số - xu thế tất yếu và cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp” do UBND tỉnh tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý…

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 3.450 doanh nghiệp đang hoạt động. Trước những cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số, chuyển đổi số (CĐS) không còn là xu hướng mà đã trở thành mệnh lệnh sống còn đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.

Tham gia tập huấn, cán bộ, công chức, viên chức, kỹ sư, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức và các kỹ năng cơ bản về về trí tuệ nhân tạo để khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng tập huấn, phổ cập kỹ năng khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là hướng dẫn sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (Chatbot AI) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận toàn diện về trí tuệ nhân tạo, nhất là các nền tảng AI tạo sinh để ứng dụng trong công việc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục