Cầu sắt Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm - nơi Tạ Quốc Luật cùng đồng đội băng qua lửa đạn tiến thẳng vào Sở Chỉ huy bắt sống tướng Đờ-Cát và bộ tham mưu địch, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, lau sậy mọc um tùm ở hai bên đầu cầu.
Dòng Nậm Rốm chảy hiền hòa giữa đôi bờ cỏ lau hoang dại. Ngay bên cạnh hầm Đờ-Cát, khẩu đại bác (vua chiến trường) gục nòng chìm trong lau sậy phải bới ra mới nhìn thấy được. Trên đồi A1 nơi án ngữ cánh cửa phía Đông của địch gây ra cho bộ đội ta rất nhiều khó khăn bị đánh sập bởi một khối bộc phá gần 1.000 cân của bộ đội ta trải qua 39 ngày đêm khoét hầm đưa vào cho nổ ở giữa trung tâm của cứ điểm. Dấu vết vụ nổ vẫn toang hoác như một cái ao um tùm cỏ dại. Ở vùng đồi bao quanh lòng chảo Điện Biên về phía Tây Trang đã thấp thoáng hoa cà phê nở trắng, ấy là nông trường của những anh bộ đội sau chiến thắng chuyển sang làm kinh tế. Nơi ấy còn có cả mùa lạc của bộ đội làm kinh tế mà nhà văn nào đó đã thể hiện, tôi được đọc trước ngày lên Điện Biên.
Chiều hôm ấy, mặt trời đang tụt dần xuống những dãy núi phía Tây, nắng vàng vương vất trên cánh đồng Mường Thanh tôi tha thẩn đi về phía sân bay trong cỏ lau rậm rạp. Tôi đang đi trong tâm trạng của một người làm báo muốn khám phá về mảnh đất đầy chiến tích của chiến trường xưa, bỗng giật mình nghe tiếng quát to của ai đó:
- Anh kia đi đâu! Quay lại ngay.
- Tôi đi dạo thôi.
- Vùng này còn nhiều bom mìn lắm vừa là của địch vừa là của bộ đội ta, chưa rà phá đâu.
Người vừa quát, ra lệnh cho tôi phải quay trở lại là một anh chăn bò. Anh ta đang cưỡi trên lưng một con bò vàng béo núc. Anh mặc trên người bộ quân phục đã bạc màu, sờn gấu trông có vẻ lam lũ. Tôi nghĩ ngay, anh là bộ đội Điện Biên chuyển sang làm kinh tế vì bộ quần áo kia và vì phía sau anh là cả một đàn bò. Tôi hỏi anh:
- Đồng chí là bộ đội chuyển sang làm kinh tế phải không?
- Đúng là bộ đội chuyển sang làm kinh tế đây.
Đến gần hỏi chuyện, nhìn lên khuôn mặt anh có đôi nét khắc khổ, nhưng rất hiền.
- Quê ta ở đâu anh nhỉ? - tôi hỏi.
- Dân Cao Bằng đây. Quân của của tướng Giáp đây. Đời chúng tôi "Đâu có giặc là ta cứ đi” từ Việt Bắc, sang Tây Bắc; đâu có giặc là theo tướng Giáp đến đó từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ.
Tôi thân mật đến bên anh. Anh vẫn ngồi trên lưng con bò vàng.
- Này! Làm kinh tế mà suốt ngày cưỡi trên lưng bò thì còn gì bằng. Anh ta cười hiền. Nhìn thấy tôi còn trẻ anh bảo:
- Cậu tưởng ngồi trên lưng bò là sướng lắm phải không, vất vả và nguy hiểm lắm đó. Đây cũng là trận tuyến thật sự đấy cậu ạ. Rồi anh kể cho nghe, ở đây còn nhiều bom mìn lắm, chưa rà phá hết đâu. Đã có mấy con bò của tôi giẫm phải mìn lăn ra chết phải đưa về làm thịt bán cho dân. Ngồi trên lưng bò cũng là đề phòng bom mìn đấy.
- Cậu quay về ngay đi, không được đi vào khu sân bay đâu, tôi cũng phải lùa đàn bò của tôi về trại đây.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ trên vùng đất hoang dại của chiến trường để lại trong tôi nhiều cảm xúc về người chiến sĩ Điện Biên. Gặp nhau rồi chia tay, không kịp hỏi tên tuổi của nhau. Trong cuốn sổ tay phóng viên không có một dòng, một chữ nào về cuộc gặp bất ngờ ấy. Về đến cơ quan Huyện ủy - nơi tôi ở trong những ngày ở Điện Biên, tôi muốn viết một cái gì đó về anh nhưng đành chịu.
Mấy năm sau được tin Điện Biên đang triển khai dự án chinh phục dòng Nậm Rốm, thế là tôi cùng nhà văn người Tây Nguyên Y Điêng quyết định quay trở lại Điện Biên lần nữa, một là để viết về công trình Nậm Rốm, hai là để tìm kiếm may ra gặp lại người chiến sĩ Điện Biên chăn dắt đàn bò - một công việc bình dị nhưng thật cao đẹp mà chưa biết tên, biết tuổi.
Ở Điện Biên lúc bấy giờ không ai biết gì về anh bộ đội chăn bò. Lần mò mãi mới tìm được đơn vị cũ của anh, người ta bảo anh đã đứng tuổi, sức lại yếu nên bố trí chiến sĩ trẻ hơn làm nhiệm vụ chăn thả đàn bò vì công việc ấy rất gian khổ, ngày nắng cũng như ngày mưa, sớm đưa đàn bò đi chăn thả, chiếu tối là lùa về; khi về phải kiểm đếm, thiếu con nào phải đi tìm cho ra, vả lại công việc ấy rất nguy hiểm vì rất dễ vướng phải bom mìn.
Không làm nhiệm vụ chăn thả đàn bò nữa và anh đã ra quân. Lần mò khá vất vả tôi mới biết được anh đã chuyển ra phòng thương nghiệp huyện. Đến phòng thương nghiệp thì ai cũng biết anh bộ đội chăn bò ngày nào. Họ dẫn tôi đến khu chăn nuôi lợn. Anh không nhận ra tôi, còn tôi thì nhận ra anh ngay bởi khuôn mặt đầy lạc quan nhưng có đôi nét khắc khổ. Hai tay anh là hai cái thùng ô doa dâng cao giội nước tắm mát cho đàn lợn. Khi ấy thực phẩm là mặt hàng quan trọng nhất, ngành thương nghiệp phải cung cấp cho cán bộ, bộ đội, công nhân và nhân dân.
Anh đứng trong chuồng vuốt ve những con lợn béo nục, kể cho tôi nghe:
- Phòng bảo tôi có kinh nghiệm chăn thả bò về đây phụ trách bộ phận nuôi lợn, vì thịt lợn là mặt hàng "át chủ bài” của phòng, trại lợn của phòng lúc nào cũng có vài chục con. Tạm nghỉ công việc tắm rửa cho đàn lợn và quét dọn chuồng trại, anh tiếp tôi ở bàn nhỏ bên trên có cái ấm nhôm nước vối và mấy cái cốc nhựa, gần khu chăn nuôi.
Tay cầm cốc nước vối anh vừa đưa, tôi cười hỏi:
- Còn nhớ ngày gặp nhau ở gần sân bay Mường Thanh không. Hôm ấy, anh ra lệnh cho tôi phải quay lại ngay vì khu vực ấy còn nhiều bom mìn. Hôm ấy quên không hỏi tên, chỉ biết anh là dân Cao Bằng, quân của tướng Giáp.
- Tên à. Tôi là Hứa Văn Va. Tôi theo đoàn giải phóng quân của tướng Giáp ngay từ những ngày đầu cách mạng, vì thế tôi tự hào bảo mình là quân của tướng Giáp, còn đã là bộ đội ai chả là quân của tướng Giáp. Anh cười hiền, trên mặt hiện nhiều nếp nhăn.
Tôi hỏi tiếp:
- Tướng Giáp còn nhớ anh không?
- Còn nhớ chứ, tôi như người nhà của Đại tướng. Về Hà Nội lần nào tôi cũng vào nhà Đại tướng, ăn cơm cùng gia đình. Tôi cứ đi lại, ra vào bằng cổng sau y như con em của Đại tướng.
- Trước khi ra quân anh được phong cấp gì?
Nghe tôi hỏi, anh nhăn nhở cười. Nói thì xấu hổ lắm, mình có biết chữ, biết nghĩa gì đâu - mù chữ mà - được huấn luyện chỉ biết cầm súng đánh giặc thôi. Làm gì được, có trình độ gì đâu, mình được phong thiếu úy cũng là quá rồi.
Anh cười, nụ cười hiện trên gương mặt có đôi nét khắc khổ nhưng hiền dịu:
- Có giặc thì theo Đại tướng đánh giặc, giặc thua phải rút về nước, bộ đội chuyển sang làm kinh tế, là anh bộ đội Cụ Hồ, là quân của Đại tướng thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua.
Hình ảnh người chiến sĩ - đánh giặc - chăn bò - nuôi lợn trên đất Điện Biên - không thể nào quên. Chính anh - người chiến sĩ bình dị ấy đã cùng đồng đội làm nên những huyền thoại truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bội Đông