Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - giải pháp nâng cao giá trị đặc sản địa phương
- Cập nhật: Thứ năm, 25/9/2014 | 2:59:10 PM
YBĐT - Đối với tỉnh Yên Bái, đến nay, có 175 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đã được Cục SHTT thẩm định cấp 130 văn bằng, trong đó, 1 văn bằng chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 6 văn bằng sáng chế, 10 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 112 văn bằng nhãn hiệu khác.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái thăm mô hình sản xuất lúa thuần Hương Chiêm tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên.
|
Việt Nam là nước có nền văn minh nông nghiệp lâu đời, do vậy, các sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Mỗi sản phẩm này đều mang dấu ấn đặc trưng riêng của một vùng quê, một khu vực địa lý của đất nước và trở thành sản phẩm đặc sản của địa phương. Những đặc sản địa phương như vậy đã được chọn lọc qua nhiều thế hệ, gắn với mồ hôi, công sức, sự sáng tạo của các thế hệ cha ông, đi kèm với những giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, đặc sản địa phương cần được quan tâm, bảo tồn, gìn giữ và phát triển.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), cả nước có 964 đặc sản gắn với 733 địa danh thuộc các nhóm sản phẩm khác nhau. Sản xuất, kinh doanh đặc sản đang là lĩnh vực thu hút lao động của cả địa phương đó, đem lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân. Đặc biệt, một số vùng sản xuất đặc sản địa phương đã trở thành điểm thăm quan du lịch hấp dẫn, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước đến bạn bè trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là phần lớn các sản phẩm đặc sản địa phương của Việt Nam đang được tiêu thụ và xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô, đa số chưa được đăng ký bảo hộ quyền SHTT, chưa có bao bì, nhãn mác và chưa được quảng bá, khai thác và phát triển hết giá trị tiềm năng. Để khắc phục hạn chế này, việc sử dụng công cụ SHTT nhằm nâng cao giá trị cho các đặc sản địa phương của Việt Nam là một trong những hướng đi cần tập trung phát triển.
Lịch sử phát triển của xã hội và thực tế ở các nước phát triển đã cho thấy, bảo hộ quyền SHTT đã trở thành một công cụ hữu hiệu và quan trọng để nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản địa phương. Do đặc sản địa phương luôn gắn liền với tên địa danh và mang những tính chất đặc thù riêng nên cần lựa chọn các hình thức bảo hộ phù hợp để phát huy được giá trị truyền thống cũng như đặc trưng của sản phẩm đặc sản.
Theo quy định, các địa danh dùng cho đặc sản chỉ có thể được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo quyền sử dụng của cả cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Các dấu hiệu này được gắn kèm theo nhãn hiệu riêng của từng doanh nghiệp trên bao bì sản phẩm để phân biệt sản phẩm giữa các doanh nghiệp khác nhau.
Để được trao quyền sử dụng các đối tượng SHTT này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nhất định, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng cụ thể và phải tuân theo một hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Đây là một trong những căn cứ giúp đảm bảo uy tín và danh tiếng của sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và đúng nguồn gốc xuất xứ. Đó cũng là lý do vì sao người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mức giá cao gấp nhiều lần của những sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể so với các sản phẩm thông thường cùng loại.
Theo thống kê của các địa phương, hầu hết các sản phẩm đặc sản sau khi được đăng ký bảo hộ quyền SHTT đều bán được với giá cao hơn, sản lượng tiêu thụ mạnh hơn, người nông dân tập trung chăm lo phát triển sản xuất hơn. Việc bảo hộ SHTT cho sản phẩm đã có tác động tích cực tới sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tại những địa phương đó, giá đất tăng cao hơn, giải quyết việc làm cho nông dân trong thời kỳ nông nhàn, hạn chế hiện tượng lao động đổ về các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng SHTT như một công cụ nhằm nâng cao giá trị đặc sản Việt Nam hiện nay chưa thực sự được chú trọng. Trong số 964 đặc sản, đến tháng 6/2010, mới chỉ đăng ký bảo hộ được 19 chỉ dẫn địa lý, khoảng 7 nhãn hiệu chứng nhận và 20 nhãn hiệu tập thể. Với sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ, đã có 23 dự án về chỉ dẫn địa lý và 30 dự án về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được triển khai thực hiện bao gồm các nội dung hỗ trợ tiến hành thủ tục đăng ký quyền SHTT, thiết kế các phương tiện quảng bá sản phẩm, xây dựng mô hình quản lý và khai thác... Con số này vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tiễn.
Đối với tỉnh Yên Bái, đến nay, có 175 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đã được Cục SHTT thẩm định cấp 130 văn bằng, trong đó, 1 văn bằng chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 6 văn bằng sáng chế, 10 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 112 văn bằng nhãn hiệu khác. Một số sản phẩm đặc sản của địa phương đã được đăng ký bảo hộ SHTT dưới nhiều hình thức khác nhau như: chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Suối Giàng, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo Chiêm Hương Đại - Phú - An, gạo nếp Tú Lệ và hồng chùm không hạt Lục Yên...
Từ thực tế trên cho thấy, nếu bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương không được quan tâm đúng mức thì các sản phẩm nông đặc sản có giá trị của các địa phương có thể "thua" ngay trên sân nhà. Việc sử dụng công cụ SHTT để nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc sản địa phương cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các cấp, các ngành có liên quan, nâng cao vai trò của cộng đồng người dân vùng đặc sản và có lộ trình phù hợp cho sản phẩm đặc sản phát triển một cách bền vững.
Nguyễn Thanh Sơn
Các tin khác
Ngày 24/9, Ấn Độ đã đi vào lịch sử ngành hàng không vũ trụ thế giới khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo Sao Hỏa ngay trong lần tiếp cận đầu tiên.
Các nhà khoa học tại Trường Đại học Stanford đã thành công trong việc lập trình lại tế bào da người và biến chúng thành những tế bào tiền thân của tinh trùng.
Các nghiên cứu sinh trường Đại học Công nghệ Quốc gia "MISiS" Moskva đã tạo ra công nghệ nhiệt điện đơn giản và hiệu quả có thể cách mạng hóa lĩnh vực thiết bị và đồ gia dụng.
Sáng 12-9, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện (BV) E đã tổ chức họp báo giới thiệu về phương pháp phẫu thuật tim vá lỗ thông liên thất ít xâm lấn. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam.