Hai giải pháp tiêu biểu của những người lính
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 1:40:52 PM
YBĐT - Công ty TNHH một thành viên Cơ khí 83 thuộc Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng (Z83 cũ) và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh là đơn vị thường xuyên duy trì tốt phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và luôn tích cực tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), xin giới thiệu hai giải pháp tiêu biểu của những người lính.
Các thành viên Ban Tổ chức xem xét, thẩm định giải pháp cải tiến máy dập của Công ty TNHH một thành viên Cơ khí 83. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
Giải pháp “Thiết kế, chế tạo cơ cấu ép biên để cải tiến máy dập đơn thành máy dập song động” của nhóm tác giả Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Quang Phúc, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Như Lương, Nguyễn Trung Hải và Nguyễn Thái Quân - Công ty 83 đã vinh dự giành giải Nhất bởi hiệu quả đạt được trong sản xuất của đơn vị.
Giải pháp này xuất phát từ thực tế nhà máy của Công ty không có thiết bị dập vuốt nguội có đường kính lớn hơn 300mm dập vuốt sâu lớn hơn 80mm, với những sản phẩm dạng này để dập vuốt được cần sử dụng máy ép song động có lực ép và lực dập lớn. Trong khi nhu cầu cần giải quyết là việc làm, tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ công nhân viên nhà máy lại rất cấp thiết. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã cải tiến máy dập đơn động thành máy dập song động. Cơ cấu ép biên thủy lực được sử dụng để dập vuốt nguội có đường kính đến 600mm và vuốt sâu lớn tới 250mm. Cơ cấu được áp dụng theo nguyên lý của máy ép thủy lực. Phần thân được chế tạo từ thép tấm có chiều dày từ 60 đến 110mm, gia cố bằng phương pháp hàn và lắp ghép bulông. Hệ thống truyền động chính của thiết bị gồm 2 động cơ lắp bơm thủy lực.
Cùng với nó là 1 xi lanh thủy lực để tạo lực ép biên. Trên thiết bị có hệ thống điều khiển tự động PLC và bàn tự động điều chỉnh xi lanh thủy lực tịnh tiến để thay đổi kích thước chiều cao và lực ép cần đạt được của sản phẩm. Cơ cấu được lắp phối hợp với máy dập thủy lực 200 tấn. Sau khi phôi được đưa vào khuôn dập vuốt nhờ lực dập của máy và ép biên của cơ cấu sẽ vuốt phôi dạng đĩa ra sản phẩm dạng trụ tròn đã đạt được kích thước theo yêu cầu, do vậy đã đáp ứng được nhu cầu của đối tác trong và ngoài nước.
Giải pháp này đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, tăng giá trị sản xuất kinh doanh của Nhà máy. Thay vì chi phí đầu tư rất lớn (1,5 đến 2 tỷ đồng) để mua máy mới mà chỉ thiết kế chế tạo thêm cơ cấu (chi phí hết 250 triệu đồng) kết hợp với máy hiện có để dập vuốt được các sản phẩm có kích thước lớn lên đến O600 x 250mm. Cơ cấu này có thể áp dụng cho các công ty, cơ sở cơ khí có quy mô sản xuất lớn...
* Giải pháp “Thiết kế dụng cụ tháo lốp sử dụng trong sửa chữa săm lốp xe BTR - 152 và ô tô quân sự, dân sự khác” của nhóm tác giả Khổng Quang Giản và Nguyễn Thế Vinh - Đại đội 27, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sinh tỉnh.
Xe BTR - 152 là dòng xe bọc thép chở quân bánh lốp do Liên Xô (cũ) sản xuất có chiều dài 6,55m, rộng 2,32m và nặng 9,91 tấn. Hệ thống lái của xe BTR - 152 không có trợ lực nên bộ đội vận hành khó, ảnh hưởng tới tính cơ động. Khi di chuyển trong các địa hình phức tạp, xe chỉ được trang bị dụng cụ sửa chữa thông thường, trong đó có dụng cụ tháo lắp lốp, phải sử dụng nhiều nhân lực và thời gian để sửa chữa, ảnh hưởng tới nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Xuất phát từ tình hình thực tiễn tại đơn vị và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, tác giả đã nghiên cứu dụng cụ tháo lốp.
Mục đích dụng cụ tháo lắp lốp sử dụng trong sửa chữa săm lốp xe BTR - 152 nhằm giảm hao phí sức lực bộ đội, giảm ngày công khi thực hiện hành sửa chữa thay thế lốp; tăng tính an toàn trong quá trình sản xuất và thay thế cách làm cũ còn nhiều hạn chế bất cập. Đó là do một bộ lốp xe đặc chủng BTR - 152 có đường kính 1,2m, nặng 86kg rất khó khăn trong thao tác sửa chữa.
So với trước, phương pháp tháo vành tang trống lốp xe BTR - 152 hết sức nhẹ nhàng, không phải ghè đập, dễ gây mất an toàn. Người thợ chỉ cần dùng lực vặn đai ốc theo ren trục để mở từng tang trống ra, quá trình vặn chỉ cần 2 người khác trợ lực giữ lốp cho chắc. Dụng cụ tháo lốp có thể di động, mang theo xe khi cần thay thế, sửa chữa, kíp xe có thể thao tác ngay trên địa bàn khó khăn, địa hình hiểm trở và quá trình thực hiện nhiệm vụ không bị gián đoạn.
Hiệu quả, lợi ích thu được: Trước đây, để tháo một bộ lốp phải mất 6 người làm việc trong 4 giờ (tổng thời gian sử dụng là 24 giờ). Khi sử dụng vam tháo lốp, một bộ lốp chỉ 3 người làm việc trong 1 giờ (tổng thời gian sử dụng là 3 giờ). Bộ vam tháo lốp sử dụng vật liệu thép thông thường, dễ chế tạo, trong lượng nhẹ khoảng 25kg, giá thành rẻ, dễ trang bị. Khi sử dụng giải pháp này, thời gian và công sức để tháo một bộ lốp giảm xuống 8 lần. Giải pháp này còn có thể thiết kế vam phù hợp với từng loại xe thông dụng, dân sự. Giải pháp của Khổng Quang Giản và Nguyễn Thế Vinh đã giành giải Ba tại của Hội thi. Đây cũng là giải của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đăng ký dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật Quân khu II năm 2014.
Nguyễn Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - "Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VI, năm 2013 - 2014 đã thu hút được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong toàn tỉnh. Nhiều giải pháp mới có tính sáng tạo cao, có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội lớn và khả năng áp dụng rộng rãi" - ông Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ VI đã khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên YBĐT.
10 năm sau khi bay vào vũ trụ, tàu Philae lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ cánh xuống bề mặt một sao Chổi đang bay với tốc độ cao.
Kỹ thuật phân tử PCR đa mồi xTAG lần đầu được thực hiện tại BV Nhi Trung ương có thể phát hiện cùng lúc 18 virus gây bệnh hô hấp.
Nhật Bản sẽ tiến hành xây dựng nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất nước với 920.000 tấm thu năng lượng cùng với công suất 230 MW, trải dài trên 265 héc ta tại thành phố Setouchi, tỉnh Okayama.