Singapore mở cửa ngân hàng tế bào gốc đầu tiên cho mọi người
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2015 | 4:05:00 PM
Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên ở Singapre cho phép mọi người lưu trữ tế bào gốc của chính mình để dành cho tương lai sẽ mở cửa vào ngày mai 27-10.
Một nhà khoa học làm việc trong ngân hàng tế bào gốc Stem Med ở Pasir Panjang, Singapore.
|
CNA dẫn thông cáo báo chí phát hành sáng 26-10 cho biết, ngân hàng mới có tên Stem Med, cho phép mọi người lưu trữ tế bào gốc trích xuất từ tủy xương, máu và mô mỡ. Ngân hàng là một liên doanh giữa ngân hàng máu cuống rốn StemCord và nhà cung cấp giải pháp tế bào gốc và huyết học, ung thư TalkMed Group.
StemCord đã hoạt động từ năm 2002, nhưng chỉ lưu trữ tế bào gốc của trẻ sơ sinh, được trích xuất từ máu và mô cuống rốn. Cho đến nay, StemCord đã cung cấp cho 12 trường hợp trẻ em cần tế bào gốc lưu trữ để điều trị y tế.
Tiến sĩ Teo Chen Peng, Giám đốc Y khoa của StemCord cho biết: "Lưu trữ tế bào gốc cuống rốn là một tiến bộ gần đây và chúng ta cần nhanh chóng hành động để khai thác tiềm năng điều trị to lớn này không chỉ cho các em bé mà còn hữu ích cho cha mẹ và ông bà".
Tế bào gốc hình thành từ giai đoạn đầu phôi thai và có thể tìm thấy trong các giai đoạn phát triển, từ khi sinh ra cho đến tuổi trưởng thành. Khi được đưa vào cơ thể, tế bào gốc có thể giúp tái tạo các mô nội tạng. Tế bào gốc được sử dụng để điều trị hơn 80 bệnh, gồm các chứng rối loạn máu, ung thư, Parkinson, tiểu đường, bệnh tim...
Ngân hàng tế bào gốc là cơ sở lưu trữ tế bào gốc trong môi trường cực lạnh để sử dụng về sau. Đây là một trong những thị trường hứa hẹn nhất trong lĩnh vực khoa học đời sống. Báo cáo của nhà phân tích Technavio mới công bố vào trung tuần tháng 10 này dự đoán thị trường ngân hàng tế bào gốc toàn cầu có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15,13% trong giai đoạn 2014-2019.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Việc ứng dụng công nghệ thu phí điện tử vào quản lý hệ thống thu phí đường bộ tại Việt Nam hết sức cần thiết, là một trong những biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán thu phí giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay.
Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và Nga dự định đưa tàu đổ bộ lên một khu vực chưa từng được khám phá trước đây ở cực nam của Mặt trăng, nhằm chuẩn bị thiết lập khu định cư lâu dài tiềm năng ở đây.
30 cơ sở ứng dụng năng lượng nguyên tử giúp y học hạt nhân của Việt Nam phát triển nhanh nhất châu Á - Thái Bình Dương và nghiên cứu giống cây trồng đột biến đứng thứ 8 trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ (KHCN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”.