Kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại cho lúa xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2016 | 3:14:30 PM
YBĐT - Hiện nay, lúa xuân trên địa bàn toàn tỉnh đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ. Thời tiết rất thuận lợi cho một số đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa, nhất là bệnh đạo ôn. Nhằm hạn chế sự gây hại của sâu, bệnh cũng như bảo đảm năng suất và sản lượng lúa vụ xuân 2016, bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh chính như sau:
1. Bệnh đạo ôn
* Nguyên nhân, triệu chứng, quy luật phát sinh gây hại:
- Nguyên nhân: bệnh do nấm gây ra.
- Triệu chứng: bệnh hại ở các bộ phận trên lá, đốt thân, cổ bông, cổ gié.
+ Trên lá lúa: vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau, vết bệnh lớn dần có hình thoi, ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm. Khi bệnh nặng, các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy, nơi bị nhiễm nặng có thể bị cháy rụi hoàn toàn, bộ rễ bị thối và lúa không có khả năng hồi phục.
+ Trên đốt thân: vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục ra làm cho gốc bị gãy đổ.
+ Cổ bông, cổ gié: vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông, cổ gié héo, bông lúa bị bạc trắng chết khô.
+ Trên hạt: vết bệnh không định hình, có màu nâu xám. Nấm đen ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt làm cho hạt bị lép lửng. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh sang vụ khác.
- Điều kiện và quy luật phát sinh:
+ Ruộng cấy dày, cấy giống nhiễm bệnh, ruộng bón quá nhiều đạm hoặc bón thiếu kali sẽ bị bệnh nặng hơn.
+ Khi độ ẩm không khí cao, trời âm u, mưu phùn kéo dài, bệnh phát triển mạnh.
+ Vụ xuân, bệnh hại cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, giai đoạn lúa đẻ nhánh. Cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, bệnh hại trên gié và cổ bông.
* Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng, không cấy các giống nhiễm bệnh ở vùng ổ dịch. Bón phân cân đối giữa phân chuồng và NPK; bón tập trung, nặng đầu, nhẹ cuối.
- Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời.
- Khi bị bệnh đạo ôn không để ruộng khô hạn, không bón phân đạm, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng.
- Giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5 cm.
- Sử dụng một số loại thuốc hóa học sau: Fujione 40EC; NewHinosan; Fu-Army 40EC, Fu-Army 30WP; Kabim 30 WP; Bemsai 262 WP; Katana 20SC
Lưu ý: Những diện tích bị đạo ôn lá cần phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 5 - 7 ngày (phun thuốc đẫm trên mặt lá lúa). Những diện tích đã bị đạo ôn lá nhất thiết phải phun phòng đạo ôn cổ bông, phun trước trỗ từ 5 - 7 ngày bằng những thuốc đặc hiệu.
2. Rầy nâu, rầy lưng trắng
* Đặc điểm hình thái, quy luật phát sinh gây hại
- Trưởng thành: có 2 dạng cánh, đó là cánh dài và cánh ngắn. Rầy nâu toàn bộ thân có màu nâu; rầy lưng trắng trên lưng có một vệt trắng rõ ràng.
- Rầy non: lưng mầu nâu đậm. Rầy non ít di động và thường sống tập trung ở gần gốc lúa.
- Trứng: hình bầu dục, hơi cong giống hình quả chuối, có màu trong suốt, vàng xám. Trứng đẻ thành từng ổ trong bẹ lá phía dưới của cây lúa và gân giữa của bẹ lá.
- Rầy phát sinh trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm không khí cao, có nắng, mưa xen kẽ. Rầy gây hại nặng trong giai đoạn đòng trỗ - chắc xanh. Những ruộng cấy dày, bón thừa đạm, giống nhiễm rầy gây hại nặng. Rầy chích hút nhựa làm cho cây lúa bị héo, vàng, chết khô. Khi mật độ rầy cao, gây hại nặng làm cho cây lúa bị héo vàng thành từng chòm, gây hiện tượng cháy rầy.
+ Vụ xuân: hại mạnh giai đoạn lúa trỗ - chín từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5.
+ Vụ mùa: có 2 cao điểm hại cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 khi lúa đứng cái - làm đòng và cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 10 khi lúa trỗ - chín.
Ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh virus trên lúa như: bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen.
* Biện pháp phòng trừ:
- Bảo vệ thiên địch: nhện, bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang.
- Vệ sinh đồng ruộng: diệt cỏ, lúa chét. Dùng giống kháng rầy hoặc ít nhiễm rầy.
- Không bón phân đạm quá nhiều, không cấy quá dày, thời vụ gieo cấy tập trung. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu, nhất là vào giai đoạn đầu vụ để bảo vệ thiên địch của rầy.
- Thường xuyên kiểm tra thăm đồng. Khi thăm đồng, cần lội vào giữa ruộng quan sát kỹ gốc, thân lúa để phát hiện sớm, kịp thời và phun thuốc trừ rầy khi rầy còn tuổi nhỏ.
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun trừ rầy như: Midan 20WP, Admire 50 EC, Actara 25 WG, Reagt 5 EC, Sutin 5EC, Apta 300 WP,Anvado 700 WG,Dragon 585 EC, Bassa 50 EC, …
-Sau khi phun thuốc 1 - 2 ngày, phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao thì cần tiếp tục phun lại ngay.
- Khi sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, cần phải rẽ lúa thành từng luống nhỏ, mỗi luống từ 5 - 6 hàng lúa và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại; phun xong dùng sào gạt lúa trở lại.
- Phải pha và phun đủ lượng nước thuốc trên diện tích lúa (theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì). Không tự ý giảm bớt liều dùng hoặc tăng liều hay pha trộn thêm nhiều loại thuốc khác.
- Khi phun thuốc trừ rầy yêu cầu ruộng lúa phải có đầy đủ nước mới đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, bà con cần lưu ý một số đối tượng khác như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ xít dài, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, chuột…
Phạm Thị Lan Anh (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nội dung dự thảo Hiệp định vay giữa Chính phủ nước ta và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho Dự án “Lưới điện thông minh – Hiệu quả trong truyền tải (giai đoạn 1)” trị giá 65 triệu Euro.
Ngày 4/4, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp đã lần đầu tiên đưa vào sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết Dengvaxia trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng tại Philippines.
Truy cập Wi-Fi có thể sớm trở nên đơn giản hơn dựa trên những nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queretaro (UAQ) ở Mexico đã sáng chế thành công một thiết bị có khả năng chẩn đoán nhanh bệnh điếc ở trẻ sơ sinh.