Biến thải bỏ thành hữu ích - nghiên cứu giá trị của hai cậu học trò

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2017 | 11:54:45 AM

YBĐT - Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn tái sản xuất bã thải quế sau khi chưng cất tinh dầu tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” của hai cậu học trò Nguyễn Đức Hải và Phan Hoài Kiên đã đạt giải Khuyến khích Hội thi Khoa học và Kỹ thuật (Intel ISEF) cấp quốc gia 2017. 

Nhóm nghiên cứu đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát - huyện Văn Yên.
Nhóm nghiên cứu đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát - huyện Văn Yên.

Tham gia Hội thi Khoa học và Kỹ thuật (Intel ISEF) cấp quốc gia vừa qua, tỉnh Yên Bái rất vinh dự giành được 3 giải thưởng đáng giá.

Trong đó, Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn tái sản xuất bã thải quế sau khi chưng cất tinh dầu tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” của đồng tác giả Nguyễn Đức Hải và Phan Hoài Kiên đạt giải Khuyến khích. Đây là một trong những đề tài mang ý nghĩa thực tiễn cao, vừa góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời đem lại nhiều lợi ích đến đời sống người dân.

Chơi thân với nhau từ nhỏ, Nguyễn Đức Hải - học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Phan Hoài Kiên - lớp 10 T1, Trường THPT Nguyễn Huệ, hai em đều cùng chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Khi nhà trường phát động Hội thi Khoa học và Kỹ thuật cấp quốc gia, Hải đã rủ Kiên tham dự cùng mình với Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn tái sản xuất bã thải quế sau khi chưng cất tinh dầu tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái”.

Là người phát hiện ra ý tưởng, Hải chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng bã thải quế dư thừa thường gây ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông - lâm nghiệp, dễ gây hỏa hoạn, tốn nhiều diện tích để chứa bã thải, tốn nhân lực, kinh phí vận chuyển đến nơi tiêu hủy. Hơn thế nữa, em thấy việc tiêu hủy cũng phát sinh nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tinh dầu như: tạo ra nhiều khói bụi phát tán gây ảnh hưởng cho cuộc sống của người dân xung quanh, làm ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, em mới nghĩ nên có những giải pháp xử lý và tái sử dụng bã quế để hạn chế tối đa tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay”.

Được sự giúp đỡ tận tình của cô Lục Thị Thu Hoài, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cũng là giáo viên hướng dẫn Đề tài và có em Kiên phối hợp thực hiện, chúng em đã lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện từ tháng 5/2016 với 3 ý tưởng chính là làm viên nén năng lượng, đệm lót sinh học trong chăn nuôi và làm đệm, gối cho học sinh, đồng bào các dân tộc ở các huyện vùng cao.

Nhiều tháng liền làm đề tài nghiên cứu khoa học, chúng em đều phải thức tới khuya để nghiên cứu. Khó khăn nhất là việc phải làm sao để cân bằng giữa việc học và nghiên cứu đề tài khoa học"- Hải cho biết thêm.

Và rồi, ngoài thời gian học tập chính khóa, Hải và Kiên đều dành thời gian tham khảo và nghiên cứu tài liệu liên quan đến quế. Cả hai được nhà trường, gia đình động viên, tạo điều kiện, hỗ trợ hết sức trong việc thực hiện nghiên cứu. Thuận lợi cho đôi bạn là gia đình có người nhà trên huyện Văn Yên, bố của em Kiên làm bên lĩnh vực khoa học - công nghệ nên việc tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về Đề tài khá suôn sẻ. Tuy nhiên, không có nghĩa khi thực hiện Đề tài này đôi bạn không gặp khó khăn.

Nói như Hải: “Khâu liên hệ với các cơ sở làm viên nén bã thải quế khá vất vả, vì số lượng mình muốn nén quá ít nên không có chỗ nào nhận làm. May mắn chú Cường, bố của em Kiên có quen biết với Công ty TNHH Cơ khí Hồng Hà, thành phố Yên Bái, được Công ty giúp đỡ nên 7,8kg bã quế mới được nén thành công”.

Bên cạnh ý tưởng sử dụng bã thải quế làm viên nén năng lượng với những công dụng như: dùng trong hệ thống thiết bị sưởi ấm như lò sưởi (thay thế điện, than đá, dầu, củi…); dùng trong thiết bị đốt trong các ngành công nghiệp dân dụng; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ý tưởng tái sử dụng bã quế đem lại lợi ích tới người dân địa phương cũng rất ấn tượng. Nhận thấy ở các hộ chăn nuôi, hầu như các gia đình đều sử dụng mùn cưa, trấu làm đệm lót sinh học.

Với phương pháp này tuy phổ biến nhưng vẫn mất một khoản chi phí không nhỏ để mua. Từ đó các em đã lên ý tưởng sử dụng bã quế làm đệm lót sinh học vừa giảm thiểu chi phí mà hiệu quả cũng gần như tương đương với đệm lót sinh học truyền thống.

Với ý tưởng này, ngoài tác dụng chính của đệm lót sinh học là giảm mùi hôi thối, khí độc trong chuồng vật nuôi, thì với nguyên liệu là bã quế có mùi thơm của tinh dầu nên có tác dụng khử mùi hôi rất rõ rệt. Tinh dầu quế còn có tác dụng giữ ấm, chống cảm lạnh cho vật nuôi, phòng và chống bệnh cước chân ở trâu bò thường gặp vào ngày rét đậm, rét hại, đuổi chuột, chống côn trùng gây hại cho vật nuôi.

Chưa dừng lại đó, đầu năm 2017, tham gia Chương trình từ thiện “Đông ấm áp - xuân an vui” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đến trao quà cho các em học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, được tận mắt chứng kiến cuộc sống còn khó khăn của các em học sinh và người dân ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, hai “nhà khoa học” trẻ đã nảy sinh một ý tưởng đó là làm đệm từ bã quế dành cho học sinh và đồng bào các dân tộc vùng cao.

Được biết, ý tưởng này của hai câu học sinh dựa trên cơ sở khoa học là bã quế sau khi chiết xuất vẫn còn một hàm lượng tinh dầu nhất định, có tác dụng giữ ấm, chống cảm lạnh, chống mối và các côn trùng khác. Phương pháp làm đệm đơn giản, bản thân các bạn học sinh hay đồng bào vùng cao có thể tự làm cho gia đình và trường học của mình những tấm đệm ấm áp cho mùa đông.

Làm đệm từ bã quế.

Có thể thấy, ý tưởng tái sử dụng bã thải quế qua Đề tài dự thi quốc gia của hai em Hải và Kiên dường như đã trở thành nguyên liệu khá hữu ích trong lĩnh vực chăn nuôi hay hàng thủ công mỹ nghệ, tiêu dùng.

Là giáo viên trực tiếp hướng dẫn thực hiện đề tài, cô Lục Thị Thu Hoài cho biết: “Suốt 9 tháng vừa nghiên cứu vừa thực hiện Đề tài, ba cô trò đã có những trải nghiệm hết sức thú vị. Đề tài của Hải và Kiên nhận được sự đánh giá rất cao đến từ phía các nhà khoa học tại Hội thi, do có tính phát hiện mới và ứng dụng thực tiễn cao. Tôi rất tự hào vì có những học sinh như các em”. Mặc dù đạt thành tích khá cao trong Hội thi mang tầm quốc gia, cả hai học sinh vẫn khiêm tốn khi nhắc tới đề tài.

"Thành tích tại cuộc thi mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình dài, chúng em vẫn hơi tiếc vì thời gian không đủ để Đề tài có được kết quả trọn vẹn hơn. Sắp tới, chúng em sẽ còn tiếp tục thực hiện những thí nghiệm tiếp theo để có thể chứng minh, làm vững chắc hơn tính thực tiễn của Đề tài" - hai bạn chia sẻ.

Đồng chí Hà Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên:

Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng bã thải quế để ép thành viên nén hay đốt cháy thành tro làm hương đốt. Tôi thấy rất thích thú và mong đợi Đề tài của 2 em Hải và Kiên được đưa vào thực tiễn. Bởi nghiên cứu này ngoài việc giảm thiểu được ô nhiễm môi trường còn có thể tạo thêm việc làm mới cho người dân, đặc biệt từ một thứ tưởng như thải bỏ lại tạo ra được sản phẩm hàng hóa có ý nghĩa thiết thực với người dân.

Thầy Nguyễn Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành:

Việc tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho các em học sinh tham dự các cuộc thi là hướng mà nhà trường rất quan tâm. Hiện tại, nhà trường rất chú trọng vấn đề “học đi đôi với hành” của học sinh. Phòng học, phòng thực hành các bộ môn như: vật lý, hóa học, sinh học, tin học… đều được nhà trường trang bị đầy đủ các thiết bị học tập tốt nhất, giúp các em học sinh có môi trường học tập đảm bảo.

Mong muốn của nhà trường là ngoài lý thuyết ra các em phải biết thêm về kiến thức về xã hội, cho nên nhà trường luôn khuyến khích, động viên học sinh trong trường tích cực tham gia các cuộc thi thuộc nhiều lĩnh vực từ cấp trường đến cấp quốc gia phát động. Qua quá trình trải nghiệm từ các cuộc thi, các em sẽ có thể biết được sở trường của bản thân, tự định hướng được ngành nghề tương lai mà mình muốn theo đuổi.

Đồng chí Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Ý tưởng tái sử dụng bã thải quế của 2 em học sinh Hải và Kiên rất hay khi tận dụng được phụ phẩm của cây quế phục vụ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để có thể đưa từ ý tưởng vào thực tế thì Đề tài này cần phải nghiên cứu sâu hơn, đưa ra kết quả chi tiết hơn.

Tôi rất mong muốn và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tìm tòi, tham gia nhiều ý tưởng mới có lợi, có ích đối với những vấn đề xoay quanh cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Hải Hà

Các tin khác
Bệnh nhân Tô Thị Yến vừa được phẫu thuật thành công.

Đây là ca phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u nang buồng trứng lớn nhất từ trước đến nay của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.

Thiết bị thu nước từ không khí.

Các nhà khoa học Mỹ đã phát minh một thiết bị chạy bằng năng lượng Mặt Trời có thể thu 2,8 lít nước từ không khí trong 12 giờ, hoạt động trong điều kiện độ ẩm 20-30% và sử dụng 1kg vật liệu khung hữu cơ (MOF).

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, có thêm 3 nhà đăng ký tên miền “.vn” đã triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt kể từ ngày 13-4-2017. Cụ thể gồm: Công ty Cổ phần iNET (https://inet.vn), Công ty Cổ phần GMO-Z.com RUNSYSTEM (http://tenten.vn), Công ty TNHH P.A Việt Nam (https://www.pavietnam.vn/vn/).

Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học thuộc tỉnh Triết Giang của Trung Quốc cho biết vừa chế tạo được một loại cá robot thân mềm không có động cơ và có tốc độ di chuyển nhanh, có thể được sử dụng dưới nước để đo nhiệt độ và độ mặn của nước biển, đồng thời phát hiện các chất gây ô nhiễm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục