Phát hiện vi khuẩn tả "siêu mạnh" đều từ châu Á

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/11/2017 | 2:11:06 PM

Nghiên cứu mới đây cho thấy những trận dịch tả lớn đều do các vi khuẩn có nguồn gốc từ châu Á, mở ra hi vọng kiểm soát được căn bệnh này trên toàn cầu.

Một cháu bé 3 tuổi mắc bệnh tả trong đợt dịch ở Peru năm 1991.
Một cháu bé 3 tuổi mắc bệnh tả trong đợt dịch ở Peru năm 1991.

Năm 1854, nhà vật lý học John Snow người Anh đã lập bản đồ thống kê các ca bệnh tả ở London và tìm ra nguồn phát bệnh chính là một máy bơm nước trên đường Broad Street. Chính quyền London dẹp bỏ trạm bơm này và góp phần ngăn chặn dịch tả lây lan thêm.

Mới đây, các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu tương tự với mức độ toàn cầu và sử dụng những kỹ thuật tiên tiến của thế kỷ 21.

Bằng cách thống kê và so sánh hàng trăm bộ gene của vi khuẩn gây tả, họ thấy tất cả những trận dịch tả lớn bùng phát ở châu Phi hay châu Mỹ nửa thế kỷ trở lại đây đều xuất phát từ những loại vi khuẩn lạ tiến hóa từ châu Á.

Xuất phát từ một nơi

Bệnh tả gây ra bởi vi khuẩn vibro cholera thường có mặt trong nguồn nước nhiễm phân bẩn. Trong nhiều thế kỷ, các loài vi khuẩn tả dường như di chuyển từ châu Á đến phần còn lại của thế giới thông qua môi trường nước.

Thập niên 1970, Rita Colwell từ Đại học Maryland (Mỹ) cho rằng những đợt bùng phát dịch tả bắt nguồn từ môi trường địa phương. Bà chứng minh rằng vibro cholera sống ở nhiều con sông và cả nguồn nước gần biển.

Vi khuẩn tả gắn liền với sinh vật phù du. Những hiện tượng khí hậu như El Nino xảy ra làm tăng số lượng sinh vật phù du góp phần làm bùng phát dịch tả ở khu vực có điều kiện vệ sinh kém. Vì vậy, Colwell cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu có thể khiến những dịch tả lớn xảy ra thường xuyên hơn.

Từ đây, các nhà khoa học tranh luận sôi nổi rằng liệu những trận dịch tả lớn là do nguyên nhân địa phương hay do các yếu tố từ bên ngoài. Cũng có người đề xuất kết hợp 2 giả thuyết với nhau.

"Chẳng hạn châu Phi có khoảng 12 lần bùng nổ dịch tả lớn trong 50 năm qua và nguyên nhân có thể xuất phát từ một loại vibro cholera ở châu Á, sau đó tự phát triển phù hợp với môi trường châu Phi", Macro Salemi - nhà dịch tễ học phân tử ở Đại học Florida (Mỹ) cho biết.

"Tuy nhiên những vi khuẩn xuyên lục địa này có thể biến đổi gene với những loài bản địa để tạo nên chủng mới. Do đó rất khó nghiên cứu", Nicholas Thomson - một nhà nghiên cứu ở Viện Wellcome Trust Sanger (Anh) nói.

Để giải quyết, Thomson và nhóm nghiên cứu quốc tế dành nhiều năm tập hợp 714 loại vi khuẩn tả đã phát triển trong nửa thế kỷ qua ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Họ so sánh và sắp xếp bộ di truyền của hàng trăm loài kết hợp với phân tích kết quả từ những nghiên cứu trước.

Thomson nhận thấy châu Mỹ có 2 dịch tả lớn trong nửa thế kỷ qua: một bùng phát ở Peru sau lan rộng ra các quốc gia Mỹ Latin những năm 1991-1993 và một đợt khác ở Haiti năm 2010.

Các nhà khoa học đưa ra bằng chứng cho thấy dịch tả ở Haiti do lính gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ Nepal vô tình đưa vi khuẩn vào quốc gia này. Trong khi đó, đợt tả bùng phát đầu thập niên 90 đi bằng 2 đường: một qua châu Phi đến thẳng Peru, một từ Nam Á đến Mexico và có thể "quá cảnh" ở Đông Âu. Tất cả đều xuất phát từ châu Á.

Ở châu Phi, các nhà khoa học chỉ ra 11 vi khuẩn tả đặc biệt có nguồn gốc châu Á đã gây ra những dịch bệnh lớn. Những loài ở địa phương cũng nguy hiểm nhưng không thể gây ra những dịch lớn.

Cơ hội kiểm soát dịch tả toàn cầu

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science có thể giúp chấm dứt cuộc tranh luận từ lâu về vai trò của yếu tố môi trường với dịch tả toàn cầu. Nghiên cứu cũng có thể giúp các chuyên gia y học cộng đồng tập trung nguồn lực vào những loài vi khuẩn tả nguy hiểm hơn.

Theo đó, khi phát hiện một ca bệnh tả, các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu vi khuẩn này có thuộc "gia phả" châu Á hay không, từ đó dự đoán xem liệu sẽ có một đợt dịch tả lớn hay không nhằm chủ động sử dụng nguồn vắcxin vốn có hạn.

Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc loại bỏ những nguồn dịch bệnh tự nhiên ở đây là vibro cholera ở châu Á.

"Nếu chúng ta muốn kiểm soát dịch tả trên toàn cầu, trước hết chúng ta phải kiểm soát ở châu Á", Dominique Legros - một chuyên gia về dịch tả thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.

"Phải có một điểm đặc biệt ở châu lục này thích hợp cho việc phát triển và lan rộng của vi khuẩn. Chắc chắn hệ sinh thái ở đó phải có gì khác với những nơi kia", Thomson nói.
 
(Theo TTO)

Các tin khác

Bên lề APEC, ông Anthony Tan, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Khu vực ASEANTập đoàn Underwriters Laboratories (UL) đã trả lời phỏng vấn xoay quanh các vấn đề liên quan cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, một nhóm nghiên cứu do trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng đầu đã tạo ra các chất nano polymer có thể "làm sáng" các mô nhỏ bị bệnh mà các phương pháp thông thường không phát hiện được.

Trong một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Khoa học của Mỹ, các nhà khoa học thuộc Đại học Northwestern, Mỹ đã phát hiện ra một nguyên nhân dẫn tới chết tế bào não ở bệnh nhân Parkinson và phương pháp sử dụng các chất chống oxy hóa để ngăn ngừa tổn thương tế bào não.

Họp báo thông tin về Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin 
Việt Nam 2017.

Tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 được tổ chức ngày 1/12 tới, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng an toàn thông tin (ATTT) tại Việt Nam năm 2017 và công bố Chỉ số ATTT Việt Nam 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục