Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh - cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về KH&CN.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và các địa phương trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, Sở đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp về SHTT, thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản của địa phương.
Trong giai đoạn từ 2015 - 2018, Sở KH&CN đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận sáng kiến cấp tỉnh cho 79 tập thể, cá nhân; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đào tạo (Cục SHTT) tổ chức 2 hội nghị tập huấn về SHTT và bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản của địa phương; tổ chức 3 hội nghị tập huấn xác lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.
Trong thời gian qua, đơn vị cũng đã cùng với UBND các huyện, thị tổ chức 3 hội nghị tập huấn "Đăng ký và khai thác quyền SHTT đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý" cho cán bộ các sở, ban, ngành và các cán bộ làm công tác KH&CN ở các huyện, thị, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp, hội sản xuất, hiệp hội, hợp tác xã, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản địa phương; tổ chức Tọa đàm "Bảo hộ SHTT cho sản phẩm ba ba gai Văn Chấn của tỉnh Yên Bái"...
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động về SHTT trên địa bàn tỉnh, Sở đã tư vấn, hướng dẫn 16 tổ chức, cá nhân làm hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; hướng dẫn, triển khai thực hiện tốt các dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, thông qua chương trình này đã tạo ra một hướng đi mới cho địa phương trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
Kết quả đã có 12 sản phẩm đặc sản của các địa phương trong tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ SHTT gồm: 2 chỉ dẫn địa lý (quế Văn Yên và gạo Mường Lò); 3 nhãn hiệu chứng nhận (chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, sơn tra Mù Cang Chải); 7 nhãn hiệu tập thể (gạo chiêm hương Đại Phú An, hồng chùm không hạt Lục Yên, cam Lục Yên, cam Văn Chấn, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ và gạo Bạch Hà).
Trên thực tế, việc quản lý, phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ quyền SHTT của các địa phương trong tỉnh, thời gian qua đã thu được nhiều kết quả khả quan, các mô hình mẫu về quản lý và phát triển đã được vận hành vào thực tế và mang lại hiệu quả, cụ thể như: mô hình quản lý Nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên, Nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng….
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về SHTT, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền SHTT, Sở KH&CN thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về SHTT trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm về quyền SHTT, vì vậy trên địa bàn tỉnh không có vụ vi phạm quyền SHTT nào bị xử lý bằng hình thức dân sự hoặc hình sự.
Đây là cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh xây dựng thương hiệu mạnh, xác lập bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ tài sản trí tuệ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phan Thu Hương (Trung tâm ƯDKTTT, Sở KH&CN )