Mỹ: Nhà thông minh tự động bật tắt đèn và tự điều chỉnh độ sáng

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/8/2022 | 7:49:45 AM

Khoảng 30 cảm biến gắn trong ngôi nhà 2 tầng sẽ phát hiện các chuyển động để tự bật-tắt khi ai đó đi qua, không những thế, hệ thống có thể điều chỉnh độ sáng và tông màu tùy theo từng thời điểm.

Một
Một "ngôi nhà thông minh" ở Portland, Oregon, được phát triển như một bất động sản cho thuê bởi Homma Group, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thung lũng Silicon.

Doanh nhân người Nhật Bản Takeshi Homma - chủ sở hữu một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thung lũng Silicon (bang California, Mỹ) - đã bắt tay triển khai dự án "ngôi nhà thông minh" thế hệ tiếp theo ở Mỹ, với mục tiêu không chỉ trở thành một người giải quyết vấn đề mà còn là một nhà sáng tạo trong lĩnh vực cung ứng nhà ở tại xứ Cờ hoa.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong đó ông nội và ông ngoại của ông Homma là kiến trúc sư và doanh nhân trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Homma đam mê xây nhà ngay từ khi còn nhỏ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo giới gần đây, Homma chia sẻ: "Ngay từ khi còn trẻ, việc xây dựng những khu dân cư đã là một công việc quen thuộc đối với tôi và từ đó, tôi bắt đầu quan tâm đến thiết kế nội thất, bên cạnh những khía cạnh khác của lĩnh vực xây dựng."

Vào năm 2016, ông Homma - khi đó 41 tuổi - đã từ bỏ vai trò giám đốc điều hành tại tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Rakuten của Nhật Bản để thành lập tập đoàn Homma.

Đặt địa bàn hoạt động tại Thung lũng Silicon, ông Homma được truyền cảm hứng từ những công ty khởi nghiệp công nghệ thông tin tại nơi được xem là trung tâm công nghệ và đổi mới của toàn cầu, về cách họ "thổi luồng sinh khí mới" cho những ngành công nghiệp đã lâu đời - chẳng hạn như Tesla cách mạng hóa xe điện hay dịch vụ gọi xe Uber Technologies mang lại các giải pháp mới cho ngành taxi.

Ông Homma cho biết: "Tôi đã từng nghĩ mình chỉ sống một cuộc sống yên bình như một người làm công ăn lương, nhưng rồi tôi lại xác định rằng tôi cũng muốn tạo ra một tương lai và mang lại sự đổi mới."

Sự đổi mới mà ông Homma ấp ủ được thể hiện rõ trong những sản phẩm ngôi nhà thông minh gắn với thương hiệu tập đoàn mang tên ông.

Trong một ngôi nhà hai tầng cho thuê do tập đoàn Homma xây dựng ở Portland (bang Oregon), đèn chiếu sáng trên trần và hàng lang sẽ tự động bật sáng khi ai đó đặt chân lên bậc thang dẫn vào nhà và tự động tắt đi khi họ đã đi qua.

Khoảng 30 cảm biến gắn trong nhà sẽ phát hiện chuyển động và dựa vào đó để điều khiển ánh sáng một cách tự động.


Cảm biến chuyển động được lắp đặt trên trần của tòa nhà cho thuê "ngôi nhà thông minh” của Homma Group ở Portland, Oregon. 

Chuyên gia Ryo Inoue - trưởng bộ phận kiến trúc của tập đoàn Homma - cho biết: "Chúng tôi đã biến những ngôi nhà thành một môi trường sống mà bạn không cần phải chạm vào bất kỳ công tắc đèn nào gắn trên tường."

Ngôi nhà thông minh của tập đoàn Homma không chỉ tự động bật và tắt đèn mà còn điều chỉnh độ sáng và tông màu, để thích hợp với cuộc sống hằng ngày của cư dân theo từng thời điểm. Ví dụ, ngôi nhà sẽ giảm ánh sáng khi ai đó thức dậy và sử dụng nhà vệ sinh vào lúc nửa đêm.

Ông Homma tin rằng ngôi nhà có hệ thống chiếu sáng tự động sẽ giúp giảm bớt những sự bực bội không đáng có, như khi trẻ nhỏ trong nhà liên tục quên tắt đèn phòng tắm.

Ông cho biết: "Các bậc phụ huynh thường bực mìn khi trẻ nhỏ quên tắt đèn. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ hộ gia đình nào. Nếu bạn luôn để đèn sáng như vậy, hóa đơn tiền điện chắc chắn sẽ rất cao, nhưng nếu ánh sáng được kiểm soát tự động, bạn có thể tiết kiệm chi phí cho năng lượng."

Một lý do quan trọng khác khiến ông Homma muốn phát triển mô hình nhà thông minh, đó là sự bất tiện trong vấn đề xây dựng nhà ở tại Mỹ.

Ông cho biết mặc dù nhà ở dân dụng tại Mỹ có chức năng vượt trội so với nhà ở tại Nhật Bản, chẳng hạn như cách nhiệt tốt hơn, nhưng hiệu quả trong công tác xây dựng còn rất thấp.

Nếu như người Nhật thường xây một ngôi nhà trong vòng 1 năm, thì thời gian này ở Mỹ phải kéo dài từ 2-3 năm.

Ngoài ra, ông Homma cũng giải thích thêm rằng do các nhà xây dựng Mỹ có tư duy bảo thủ, nên họ thường hạn chế sử dụng vật liệu và thiết bị mới ở mức tối đa.

Người Mỹ có xu hướng cải tạo những ngôi nhà cũ để làm nơi ở mới, trong khi nhà ở ở Nhật Bản thường có tuổi thọ tương đối ngắn, do người dân ở quốc gia châu Á này thường phá bỏ nhà cũ để xây dựng lại từ đầu.

Ông Homma khẳng định: "Bằng cách kết hợp các hoạt động xây dựng hiệu quả của Nhật Bản, tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời để ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng khu dân cư ở Mỹ."

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến phương thức làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn, mọi người đang ngày càng tìm cách cải thiện tính đa chức năng của ngôi nhà của họ.

Ngoài việc tận dụng chuyên môn về việc làm nhà cho thuê, trong khi tăng cường phát triển nhà xây để bán, tập đoàn Homma cũng đang xem xét cung cấp công nghệ "nhà thông minh" cho các công ty khác.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Sao Mộc trong bức ảnh do kính James Webb chụp.

NASA mới công bố 2 bức ảnh về sao Mộc được chụp bằng kính viễn vọng James Webb. Những bức ảnh cho thấy nhiều đặc điểm rõ ràng của hành tinh này.

Ăn quá ít cá là thói quen khiến bạn bị mỡ máu.

Những thói quen dưới đây nếu bạn còn duy trì thì coi chừng bị mỡ máu cao đấy nhé.

Chiếc lá nhân tạo được thử nghiệm trên sông Cam, miền Đông nước Anh.

Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, Anh, vừa thử nghiệm thành công chiếc lá nhân tạo hoạt động tương tự quá trình quang hợp của cây để chuyển hóa năng lượng từ ánh sáng mặt trời, nước và CO2 thành nhiên liệu sạch có thể thay thế cho xăng.

Samsung đang có kế hoạch chi 20 nghìn tỷ KRW (khoảng 15 tỷ USD) vào năm 2028 để thiết lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) chip tại Hàn Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục