Cụ thể, với 20.000 người tham gia chiến dịch, có hơn 13.000 người sử dụng trình duyệt không an toàn; 10.000 người sử dụng hệ điều hành không an toàn; gần 3.000 địa chỉ máy tính có kết nối internet (IP) liên quan tới rò rỉ dữ liệu. Đặc biệt, gần 9.000 IP nằm trong mạng máy tính nhiễm mã độc (mạng botnet). Botnet là mạng lưới các thiết bị máy tính đã bị chiếm quyền điều khiển được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Chuyên gia công nghệ cho biết, tất cả những người dùng máy tính, thiết bị di động, các thiết bị thông minh IoT có kết nối internet đều có thể trở thành nạn nhân của mã độc. Những vị trí thường bị tin tặc tấn công là nhật ký trực tuyến (blog), hệ thống quản lý nội dung, phần mềm diễn đàn và website thương mại điện tử.
Với máy tính để bàn (PC), mã độc có thể chiếm quyền điều khiển máy tính, lấy cắp dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng đến băng thông và chất lượng dịch vụ mạng. Với thiết bị di động, mã độc chủ yếu lấy cắp các dữ liệu nhạy cảm như thẻ tín dụng, mật khẩu, nhật ký cuộc gọi, SMS... và theo dõi người dùng. Do đó, việc xác định các thiết bị, máy tính đang sử dụng bị nhiễm loại mã độc nào là cách phòng chống và giải quyết tấn công mạng triệt để, tận gốc.
Các phần mềm phòng chống mã độc được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cập nhật thông và cung cấp miễn phí trên Cổng không gian mạng quốc gia (tại địa chỉ
https://khonggianmang.vn). Đây là công cụ hữu hiệu cho phép mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể kiểm tra điểm yếu của các trình duyệt, hệ điều hành đang sử dụng, kiểm tra lộ lọt dữ liệu hay lựa chọn và sử dụng miễn phí các công cụ xử lý mã độc chuyên sâu.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, hơn 3.300 website của Việt Nam đã bị mã độc xâm nhập và bị tấn công thay đổi giao diện (deface). Trung bình mỗi tháng có hơn 700.000 IP Việt Nam nằm trong mạng botnet. Do đó, ngày 14/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động toàn dân cùng "quét sạch" mã độc trên không gian mạng Việt Nam. Khi người dân chủ động tham gia chiến dịch làm sạch mã độc sẽ góp phần gián tiếp bóc gỡ hàng loạt những máy chủ đặt tại Việt Nam đang bị lợi dụng để tấn công nhiều hệ thống thông tin trên thế giới.
Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, ngoài tình trạng các thiết bị kết nối mạng internet của Việt Nam nằm trong các mạng botnet đã diễn ra từ rất lâu, gần đây còn xảy ra nhiều cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ việc các website, máy chủ, địa chỉ IP của Việt Nam tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng máy tính ma (botnet) và phát tán mã độc. Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng mong muốn nhận được sự ủng hộ và lan tỏa của tất cả mọi người qua việc báo cáo, chia sẻ các trang web phát tán mã độc để bảo vệ an toàn cho không gian mạng Việt Nam, cũng như giúp thế giới giảm thiểu các cuộc tấn công mạng diện rộng. Làm sạch mã độc góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng, đồng thời còn là điều kiện quan trọng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
(Theo Tin tức)