Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người dân, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho các sản phẩm của tỉnh Yên Bái.
Với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất, hàng năm, Sở KHCN Yên Bái đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên dành nguồn kinh phí triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước.
Giai đoạn 2017 - 2021, đã thực hiện 66 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh thuộc lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, chiếm 66% tổng số nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí hỗ trợ trên 53 tỷ đồng, chiếm 69,3% tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Trong đó: 42 nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 41,3 tỷ đồng; 3 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và 21 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ với tổng kinh phí hỗ trợ 11,8 tỷ đồng.
Đồng thời, lựa chọn và đề xuất triển khai thực hiện 6 dự án thuộc Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”, do Bộ KH&CN quản lý với tổng kinh phí thực hiện trên 42,5 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 19,5 tỷ đồng, nguồn đối ứng từ các hộ dân, doanh nghiệp là 23 tỷ đồng.
Ông Đinh Khắc Tiến - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN Yên Bái cho biết: "Thông qua quá trình triển khai các nhiệm vụ KHCN đã đưa được những tiến bộ KHCN vào phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp, đã tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm mà thực tiễn sản xuất yêu cầu”. Đó là việc tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhất là công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Một số nhiệm vụ, mô hình thử nghiệm trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã được người dân đón nhận, chính quyền địa phương quan tâm xác định chỉ đạo triển khai..., bước đầu đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, đưa những giống cây trồng, vật nuôi, cây dược liệu có giá trị kinh tế vào sản xuất, góp phần thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đặc biệt, kết quả của một số nhiệm vụ triển khai tại hai huyện vùng cao của tỉnh đã có sức lan tỏa, góp phần từng bước ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Ở huyện Trạm Tấu, Đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng giống lúa ĐS1 có khả năng chịu lạnh, chất lượng cao vào sản xuất và được nhân rộng và duy trì ổn định trên địa bàn.
Ngoài ra, Trạm Tấu đã đẩy mạnh sử dụng những giống lúa, ngô lai ngắn ngày cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện vào sản xuất, giúp mở rộng diện tích trồng lúa, ngô 2 vụ, nâng tỷ lệ diện tích lúa 2 vụ đạt 90%, góp phần ổn định an ninh lương thực trên địa bàn.
Hay ở Trấn Yên, nhờ ứng dụng các tiến bộ KHCN trong sản xuất, đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vùng tre măng Bát độ trên 3.800 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt 30.500 tấn; vùng trồng dâu nuôi tằm 772 ha - sản lượng đạt gần 1.000 tấn; quế trên 20.000 ha; vùng cây ăn quả có múi trên 1.100 ha; vùng chè chất lượng cao, cây rau màu...
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên khẳng định: ”Bước đầu đã hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tre măng Bát độ; chuỗi liên kết trồng dâu - nuôi tằm chế biến kén tằm; chuỗi liên kết chăn nuôi gà thương phẩm; sản xuất quế hữu cơ, phát triển 24 sản phẩm OCOP có tem truy xuất nguồn gốc...”.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông - lâm nghiệp và xây dựng bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương đã góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, phát huy hiệu quả, lợi thế của những sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh. Đồng thời, góp phần phát triển thương hiệu nông sản địa phương, quảng bá và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.
Thành Trung