Nhiều năm nay, những nông dân trồng chè đã quan tâm hơn tới việc sản xuất an toàn, chất lượng cao theo các tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học có vi sinh vật ngoại lai để ủ phân hữu cơ đã được áp dụng và bước đầu cho thấy có hiệu quả trong sản xuất.
Tuy nhiên, tác động của các vi sinh vật ngoại lai tới hệ vi sinh vật trong đất ở bản địa thì chưa được quan tâm, đánh giá mức độ ảnh hưởng, chúng có thể phát triển mạnh quá mức gây biến đổi hệ vi sinh vật bản địa, đe dọa cân bằng sinh thái gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Bởi vậy, nhóm tác giả đã thực hiện một nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh để xác định chủng vi sinh vật phù hợp nhằm sản xuất chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Các vi sinh vật bản địa vốn tồn tại hài hòa trong đất của vùng sản xuất nên không gây mất cân bằng sinh thái, bổ sung dinh dưỡng cho đất, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, sạch, bền vững.
Theo đó, nhóm tác giả đã thu thập các mẫu đất ở 3 vùng chè của tỉnh: xã Suối Giàng, thị trấn Nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn) và xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên để xác định chủng nấm có ích trong đất. Sau đó, tiến hành bẫy nấm, phân lập vi sinh vật, chọn lọc chủng nấm phân lập để tiến hành nghiên cứu đánh giá, xác định chủng vi sinh vật thích hợp để làm chế phẩm phân bón cùng các phụ gia phối trộn... Kết quả nghiên cứu cho ra công thức chế phẩm gồm cao lanh 90%, kali humate 10%, bào tử nấm gồm chủng Trg, Cg và Cne với lượng thích hợp 1g bào tử/kg giá thể.
Chế phẩm còn được nhóm tác giả sản xuất thử nghiệm, xây dựng mô hình đánh giá hiệu quả tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Qua đó, các chỉ tiêu khoa học đã được đánh giá thực tiễn đối chứng với mô hình bón phân thông thường của người dân gồm: thời gian bật mầm sau cắt nhanh hơn 3 ngày; tốc độ sinh trưởng của búp chè nhiều hơn 1,2 cm trong 10 ngày; thời gian hoàn thành đợt sinh trưởng búp trung bình các lứa đạt 44,4 ngày, nhanh hơn 5,1 ngày; tỷ lệ búp xòe mù thấp, khả năng chống chọi sâu bệnh tốt hơn, năng suất tăng 13%...
Là một trong những hộ tham gia dự án, ông Vũ Viết Quốc, thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Chúng tôi đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật từ các loại men, chế phẩm vi sinh để ủ các loại cây cỏ, đỗ tương, củ quả, cá... để tạo phân bón an toàn cho cây chè.
Bằng cách làm này, tôi đã tự tạo được 2 dạng sản phẩm phân bón gồm: dạng nước tưới nhằm tác động lên lá chè giúp kích thích lá phát triển, phòng trừ được sâu, bệnh hại lá; dạng phân bón vào đất, nhằm tăng độ mùn, tơi xốp và cung cấp dưỡng chất cho cây phát triển”.
Nhờ vậy, dù những tháng cuối năm - trong khi những đồi chè khác đang ở giai đoạn bắt đầu ngủ đông, búp cây chậm phát triển thì đồi chè của gia đình ông Quốc vẫn cho thu hái; năng suất, sản lượng và chất lượng cây chè tăng lên rõ rệt, các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển của cây đảm bảo độ bền vững cho các vụ sau.
Với công thức tạo chế phẩm phân bón vi sinh của nhóm tác giả không những tạo ra chế phẩm giá chỉ 100.000 đồng/kg mà còn giúp người dân có thể sản xuất tại chỗ phân bón hữu cơ vi sinh với giá 5.000 đồng/kg từ các phế phụ phẩm nông nghiệp: cây, cỏ thực vật... phù hợp với cây chè và nhiều cây trồng khác.
Với giá thành rẻ, cách làm đơn giản, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giảm thiểu phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.
Hoài Anh