Thông tin này được đề cập trong công văn của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam tối 14/3.
Theo đó, Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giám sát và kiểm tra việc thực hiện của doanh nghiệp trong việc phát triển thuê bao mới thời gian tới, nhằm chuẩn hóa thông tin đúng quy định.
Các vi phạm được Cục Viễn thông đề cập gồm cung cấp dịch vụ cho thuê bao mới có thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường sim đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động.
Trong ngày 15/3, các nhà mạng phải công bố trên website danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trực tiếp hoặc ủy quyền, phổ biến tới các điểm cung cấp, nhân viên, bảo đảm thuê bao phải có thông tin đầy đủ, chính xác, khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo nghị định 49 trong lĩnh vực viễn thông di động từ năm 2017, thuê bao di động phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung. Từ tháng 8/2022, thuê bao mới phải xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên thực tế, thị trường hiện vẫn tồn tại các loại sim đã kích hoạt với thông tin không chính chủ, thường được gọi là sim rác.
Những sim rác này được sinh ra do nhiều người đăng ký một lượng lớn sim, sau đó bán cho người khác mà không quan tâm đến mục đích sử dụng của họ. Trong khi đó, tại các nhà mạng, không ít nhân viên kinh doanh dưới áp lực doanh số đã tự ý kích hoạt sim với thông tin có sẵn. "Một số cá nhân còn đăng ký hàng nghìn sim. Đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng sim không chính chủ", thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nêu tại cuộc họp tháng 9/2022.
Theo Bộ, quá trình xử lý sim rác chia thành ba công đoạn: đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin, đảm bảo thông tin chính xác bằng việc đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, và xử lý tình trạng sim không chính chủ.
Quá trình này đang ở công đoạn thứ hai, tức chuẩn hóa dữ liệu. Cục Viễn thông đặt mục tiêu đến 31/3, tất cả thuê bao đang hoạt động phải có thông tin đầy đủ, chính xác. Hôm nay cũng là ngày các nhà mạng được yêu cầu nhắn tin đến toàn bộ thuê bao có dữ liệu chưa chuẩn. Sau 15 ngày nhận tin nhắn, thuê bao không thực hiện sẽ bị khóa chiều gọi đi.
Việt Nam hiện có 127 triệu thuê bao di động, 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel, MobiFone. Tại cuộc họp ngày 13/3, mỗi nhà mạng cho biết có từ 1,1 đến 1,4 triệu số điện thoại cần chuẩn hóa thông tin.
(Theo VnExpress)