Ông Nguyễn Viết Đỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết: "Phát huy hiệu quả thế mạnh tại chỗ về vùng khí hậu, thổ nhưỡng, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cây sơn tra, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc thực hiện mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại 2 xã Lao Chải và xã Kim Nọi. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức đào tạo, tuyên truyền nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ kỹ thuật, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, đặc biệt là các hộ tham gia thực hiện mô hình ở 2 xã về kỹ thuật thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị.
Cùng với chỉ đạo sản xuất, kiểm tra giám sát, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc và UBND 2 xã tiến hành lựa chọn địa điểm triển khai thực hiện dự án, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của dự án và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đến người dân để đăng ký nhu cầu tham gia dự án nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất”.
Trong năm 2022 - 2023, huyện đã lựa chọn 2 bản là Hú Trù Lình, xã Lao Chải với 12 hộ dân và bản Dào Xa, xã Kim Nọi với 10 hộ dân để tiến hành thẩm định điều kiện về diện tích tham gia dự án. Ngoài xác định lượng giống, phân bón, vật tư cần thiết, huyện tập trung tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị. Cụ thể, cùng với được phổ biến kỹ thuật ghép nhân giống, nhân dân đã nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc sơn tra ghép.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết: Thời điểm xử lý thực bì được tiến hành vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, sau khi phát không đốt mà được thu gom xếp thành băng chạy dài theo đường đồng mức. Đến tháng 4, tháng 5 sẽ tiến hành đào hố, mật độ trồng 500 cây/ha. Trước khi trồng 1 tháng sẽ tiến hành bón lót với liều lượng 5 kg phân chuồng hoặc phân xanh kết hợp với 300 g phân NPK/hố. Đến tháng 6, tháng 7 hàng năm tiến hành trồng và nên trồng cây vào những ngày trời râm mát. Sau khi trồng 1 tháng, tiến hành trồng dặm cây chết để đảm bảo mật độ.
Về chăm sóc, năm đầu chăm sóc 1 lần vào tháng 11 - 12; từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 đều chăm sóc 3 lần vào các thời điểm đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa. Từ năm thứ 5 trở đi, cây đã phát triển tốt, có tán rộng và bước đầu cho quả, tiến hành chăm sóc, cắt tỉa cây sau mỗi vụ thu hoạch quả và bón thúc từ 1 kg - 1,5 kg phân NPK/cây; duy trì chiều cao vút ngọn cây từ 3 - 4 m để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hái quả.
Ông Lờ A Chang, bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải cho biết: "Sau khi triển khai mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại xã, gia đình tôi đã đăng ký thực hiện 0,5 ha. Cùng với được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, các hộ còn được cấp giống, phân bón để trồng đảm bảo thời vụ. Tôi rất hy vọng chất lượng và hiệu quả sẽ đạt được như mong muốn để mở ra hướng mới trong phát triển cây sơn tra tại địa phương”.
Bước đầu, mô hình đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo tiền đề để phát triển nhân rộng cây sơn tra thời gian tới. Đồng thời, với sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp nói chung và cây sơn tra nói riêng phát triển ổn định, bền vững, tiến tới sản xuất hàng hóa để phục vụ cho du lịch.
Đặc biệt, thông qua mô hình, sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về hướng phát triển cây sơn tra chất lượng, hiệu quả hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập của người dân. Từ mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại xã Lao Chải và xã Kim Nọi sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong sản xuất cây sơn tra trước đây như: không theo quy hoạch, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phó mặc hoàn toàn vào tự nhiên..., góp phần quan trọng phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh vùng miền trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện nói chung và các xã đặc biệt khó khăn nói riêng.
Mô hình thành công sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương từ những loài cây trồng chỉ có một mục đích sang loài cây trồng đa mục đích, vừa có chức năng phòng hộ vừa cho thu nhập ổn định.
A Mua