Chỉ vì chiếc điện thoại
- Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2014 | 4:27:54 PM
Sự việc liên quan đến chiếc điện thoại xảy ra ngay ngày đầu Nga sử dụng nó...
Điện thoại hiện được học sinh dùng khá phổ biến.
(Ảnh: Hùng Cường)
|
Ở lớp, tôi chơi thân với Nga, không chỉ vì Nga hiền lành và chăm học mà chúng tôi còn học với nhau từ nhỏ. Thật may mắn, tôi và Nga bước vào trường cấp III lại tiếp tục học cùng lớp. Tôi thầm nghĩ học cùng lớp sẽ thuận lợi hơn trong việc học tập và 2 đứa cùng cố gắng thì ước mơ làm cô giáo của chúng tôi sẽ thành hiện thực. Nhưng chẳng ai ngờ được Nga bắt đầu thay đổi cả tính cách đến việc học tập.
Bắt đầu vào năm học, thấy những bạn học sinh thị trấn nhà có điều kiện mua sắm điện thoại đắt tiền, quần áo đẹp, Nga cũng về nhà nài nỉ bố mẹ mua để được như các bạn. Hình ảnh gia đình khó khăn, bố mẹ vất vả ngoài đồng cả ngày, nhưng vì nghĩ sẽ tốt cho con nếu như có một chiếc điện thoại phục vụ học tập nên bố mẹ đã cố gắng mua cho Nga chiếc điện thoại với mong muốn con mình sẽ học tốt hơn. Nga rất vui và khoe ngay với tôi. Tôi cũng thấy vui cho bạn. Nhưng thực tế thì không phải vậy.
Sự việc liên quan đến chiếc điện thoại xảy ra ngay ngày đầu Nga sử dụng nó. Trống vào học, cô giáo lên lớp, cả lớp đứng dậy chào cô mà tôi không thấy Nga đứng dậy. Thì ra bạn ấy đang mải nghịch facebook mà không để ý rằng cô giáo đã vào lớp. Đã vào học được 30 phút rồi mà tôi vẫn không thấy Nga ghi bài. Tôi quay sang thì thấy Nga ngồi gục mặt xuống bàn chơi game.
Tôi nhắc nhở Nga nhiều lần, rằng: “Bạn không chú tâm vào học đến lúc làm bài kiểm tra sẽ không có kiến thức mà làm đâu”. Nga nói luôn với tôi: “Ui! Bạn lo gì, khi nào kiểm tra thì chép bài của bọn nó ý” rồi lại quay ra chơi game tiếp. Cả mấy tháng học trôi qua cũng thế, Nga học tập sa sút hẳn so với trước kia. Cô giáo kiểm tra vở thì thấy bạn ấy không ghi bài, lên bảng thì không học bài cũ mà cũng chẳng làm bài tập về nhà. Suốt ngày Nga chỉ cắm cúi vào chiếc điện thoại.
Thấy bạn sa sút quá, tôi lại một lần nữa nhắc nhở: “Bạn mắc nhiều khuyết điểm rồi đấy, không học hành cẩn thận là năm nay không được lên lớp đâu”. Nga tiếp lời tôi luôn: “Bạn cứ lo xa làm gì, cũng chỉ là điểm 15 phút với điểm kiểm tra miệng thôi, có gì to tát đâu”. Hôm kiểm tra một tiết môn Sinh học, tôi thì rất lo lắng không biết bài kiểm tra có khó không, mình có làm được không, còn Nga vẫn thản nhiên ngồi nghịch điện thoại, chắc là bạn ý tin rằng sẽ chép bài của các bạn khác được”. Cô giáo phát đề kiểm tra cho các bạn. Nga “ồ” lên một tiếng rồi lay lay tay tôi: “Thôi! Chết rồi, sao đề bài khác nhau thế, mỗi người một đề à bạn?”.
Đúng là mỗi người một đề thật. Nga bắt đầu lúng túng, xoay ngang, xoay dọc cả tiết mà không làm được bài. Nga năn nỉ tôi làm hộ nhưng bài kiểm tra rất dài nên tôi không giúp được. Nga còn tỏ ra bực bội, trách móc tôi vì không giúp bạn ý. Tôi nói: “Lúc này chẳng ai giúp được ai đâu”.
Một tiết trôi qua, cô giáo thu bài kiểm tra. Tôi thấy Nga nộp giấy trắng và tôi cũng thấy bạn ý đang cảm thấy sợ. Ngày hôm sau đi học, các bạn ai cũng nhào lên muốn xem điểm kiểm tra. Cô giáo trả bài kiểm tra và khen một số bạn có ý thức học cao nhưng cô cũng phê bình một số bạn không có ý thức học tập nên điểm kém, cần cố gắng hơn. Trong số bạn cô giáo phê bình có cả Nga. Bài kiểm tra Nga được 1 điểm cộng với 1 dòng phê bình là không có ý thức trong học tập. Nga bật khóc. Tôi nhìn Nga, nói: “Không phải cô ghét bạn mà cho bạn điểm thấp, mà cũng không phải đề bài quá khó. Đây là do bạn không chú tâm vào việc học thôi. Sau bài kiểm tra này, bạn hãy xem lại cách học tập của bạn đi. Không có gì gọi là muộn nếu như mình biết cố gắng”. Nga ôm tôi và nói: “Tớ biết rồi, tớ xin lỗi vì đã trách bạn, tớ sẽ cố gắng. Từ mai, tớ sẽ không mang điện thoại đi học nữa, không chơi game trong giờ học nữa đâu. Tớ hối hận rồi, bạn à”.
Tôi cầm tay Nga và nói: “Bạn cố gắng lên. Bọn mình sẽ cùng nhau cố gắng để học tập thật tốt nhé. Vẫn còn bài kiểm tra học kì mà. Nếu bạn cố gắng thì sẽ tốt hơn nhiều đấy”. Thế là chúng tôi cùng nhau chăm chỉ học tập như xưa. Các thầy, cô giáo thấy sự tiến bộ của Nga rõ rệt nên mừng lắm. Cuối năm, điểm bài kiểm tra của chúng tôi đều cao.
Qua chuyện của Nga, tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn rằng: Mình là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường không nên sử dụng điện thoại di động trong trường học cũng như trong giờ học. Vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc học của chúng ta. Chỉ nên sử dụng ở nhà để lên mạng tìm hiểu, tra cứu những kiến thức cơ bản phục vụ cho học tập thôi, các bạn nhé!
Hoàng Thị Giang (Lớp 11B7, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trấn Yên)
Các tin khác
Cảm ơn bạn, vì tất cả sự yêu thuơng! Luôn luôn bên tôi lúc buồn vui, lúc tôi mất đi niềm hi vọng hay gục ngã, lúc tôi đủ can đảm để đứng dậy và bước tiếp hay lúc tôi biết chia sẻ niềm yêu thuơng với mọi thứ xung quanh… Tất cả đều nhờ có bạn…
Bố à…!!! Bà nội kể, ngày con được sinh ra nhà mình nghèo lắm. Người ta bảo với bố đem cho con đi người ta sẽ cho bố nhiều tiền. Bố nói, bố không cần tiền, bố chỉ cần con thôi!
Quên sao được ô cửa sổ thân quen/ In màu nắng lên những trang sách nhỏ/ Lời cô giảng vấn vương từng trang vở/ Mong học trò cô ngày mai nên người