Cần một “chiếc la bàn”

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2015 | 10:29:10 AM

YênBái - YBĐT - Trước đây, khi còn nhỏ, ai đó hỏi tôi về ước mơ sau này muốn làm gì thì không cần suy nghĩ, tôi luôn trả lời là muốn trở thành một cô công an. Cũng không biết vì sao tôi lại thích mặc quân phục đến thế! Nhưng khi lớn hơn một chút, nhất là những năm học cấp III này thì dường như trong tôi có một điều gì đó thay đổi.

Càng lớn, tôi càng thấy mình không thể chịu được sự gò bó về thời gian, không hề đủ kiên nhẫn để thực hiện một công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Tôi muốn mình tự do làm việc theo cảm hứng, muốnđược đi nhiều nơi, muốn khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Bên cạnh đó, những lúc không thể dùng lời nói để diễn tả cảm xúc của mình, tôi lại trải lòng mình trên trang giấy, dùng ngòi bút nói lên suy nghĩ. Dần dần tôi đã quyết định trở thành một nhà báo trong tương lai.

Đã ba năm ấp ủ ước mơ và giờ chỉ còn vẻn vẹn một tháng nữa thôi để tôi dốc hết sức mình thực hiện mơ ước. Mục tiêu của tôi là thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mơ ước là vậy, trường thi cũng xác định là vậy rồi nhưng cũng nhiều tháng nay hết đọc báo mạng, tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước mà tôi vẫn chưa thực sự thống nhất được ý chí và hành động trước những tác động từ nhiều phía. Tôi như con thuyền giữa đại dương bao la, không có la bàn để xác định hướng đi cho mình. Giá như ai đó lúc này có thể làm chiếc "la bàn" cho "con thuyền" nhỏ bé này cập bến tương lai. Thực sự tôi cần lắm một lời khuyên. Báo mạng bây giờ cũng nhiều bài đề cập đến việc chọn trường, chọn nghề, chọn việc nhưng chỉ mang tính chất chung chung, thậm chí có bài còn trừu tượng, đọc xong còn thêm hoang mang nên tôi cũng không thể lấy đó làm "la bàn" cho mình.

Mỗi năm một khác, những thay đổi về cách tuyển sinh lắm lúc khiến chúng tôi chóng mặt. Các anh chị khóa trước cũng như tôi và bao bạn khác, tất cả đều đối diện với sự mới mẻ, thậm chí là lạ lẫm trong nhiều vấn đề liên quan đến chính tương lai gần của chúng tôi. Rồi những hiểu biết về nghề nghiệp mà mình định chọn của chúng tôi cũng rất mơ hồ, chắc gì thực tế công việc đã đúng như mình hình dung. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tại sao trong nhà trường không có những buổi ngoại khóa hay một tổ chức nào đấy tư vấn cho những học sinh như tôi hiểu hơn việc chọn nghề, chọn việc cho tương lai của mình, trang bị cho chúng tôi thêm hành trang để bước vào chặng đường mới.

Như việc học xong tôi sẽ làm công việc như thế nào, ở đâu? Tôi phải chuẩn bị gì để tiếp nhận nó? Liệu những công việc ấy có phù hợp với khả năng của bản thân không? Nếu như hiểu biết hơn, được trang bị vững vàng hơn hành trang cho tương lai thì có lẽ sẽ không có những học sinh như tôi, giờ này vẫn còn băn khoăn với việc chọn "chìa khóa" để mở cánh cửa tương lai. Hơn nữa, vấn đề việc làm cũng là mối lo lớn. Liệu sau 4 năm đại học tôi có xin được việc không? Hay "treo” bằng ở nhà đi làm việc trái ngành. Giờ nhiều người thất nghiệp quá… Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra mà chúng tôi chẳng tìm được ở đâu câu trả lời thỏa đáng.

Trở lại với ước mơ nhà báo của mình, tôi vẫn đứng trước bao nhiêu băn khoăn, trăn trở. Nhiều người bảo rằng: "Học báo chí phải đi xa, đi nhiều nơi vất lắm, nhất lại là con gái nữa, giờ hoài bão lớn đấy nhưng sau này khi có gia đình rồi thì khó mà dốc hết tâm huyết với nghề được". Tôi vẫn nghe nói nghề báo là vất vả, nhất là với phụ nữ nhưng chẳng nhẽ cái vất vả đó chỉ là việc phải đi lại nhiều, đi xa như ai đó nói thôi sao, hay còn bao nhiêu điều vất vả khác nữa mà tôi không hình dung ra, cũng không có ai để tôi hỏi. Rồi có người còn nói: "Giờ báo lá cải đầy ra, phóng viên nghiệp dư nhan nhản, mà không có ai "dẫn lối” thì khéo học xong cũng chả xin được việc". Lý lẽ đó cũng khiến tôi đắn đo nhiều trong khi tôi cũng chẳng tìm thấy thông tin việc làm, nhu cầu nhân sự của nghề này ở đâu, thực sự việc thừa - thiếu như thế nào…

Nhưng rồi tôi cũng tự củng cố tư tưởng của mình bằng những suy nghĩ về sự yêu thích, niềm đam mê với nghề. Tôi nghĩ chỉ cần mình được làm việc mình thích thì chắc dù khó khăn đến đâu mình cũng sẽ vượt qua. Và đúng là nhà tôi thì chả khá giả gì, cũng chẳng quen biết ai trong một tòa soạn báo nào nhưng tôi nghĩ nếu mình cố gắng, năng lực mình không đến nỗi tồi chắc mình cũng không đến nỗi không gõ cửa nổi một cơ quan báo chí nào đó.

Lòng nhiệt huyết và sự nỗ lực của tuổi trẻ sẽ đưa tôi tới thành công. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi nhưng đôi lúc tôi cũng nản chí lắm. Thực sự là đã có những lúc tôi từng nghĩ là thi tốt nghiệp phổ thông xong tôi sẽ đi làm công nhân hay đi học nghề luôn. Nhưng tôi không cam tâm để 12 năm ăn học, 12 năm cố gắng của tôi trở nên vô nghĩa. Kể ra, chắc sẽ có nhiều người bất ngờ rằng giờ này tôi vẫn còn nhiều thế những "mối tơ vò chưa được gỡ một cách rạch ròi” trong bước đường hướng tới tương lai, mà chỉ còn một tháng nữa thôi là tôi thi rồi.

Lúc này đây, tôi và những bạn như tôi cần lắm một chiếc "la bàn"...

Phạm Thị Thủy (Lớp B3K21, Trường THPT Trần Nhật Duật, Yên Bình)

Các tin khác

YBĐT - Lúc này đây, khi tớ viết ra những dòng này là lúc tớ thức dậy sau một đêm dài, khi mà ngày tổng kết cuối năm của chúng mình chỉ còn là ngày hôm qua.

Bầu trời mùa hè đã xanh ngắt, tiếng ve râm ran khắp mọi nơi và hoa phượng đã đỏ rực một góc sân trường. Nhanh thật! Mùa hè này là mùa hè cuối của tuổi học trò với nó.

Đã hai năm tôi được sống và làm quen rất nhiều bạn bè mới ở ngôi nhà trọ này. Ở đây, có các bạn cùng tuổi, các anh chị lớp trên thực tập và các em học cấp hai nữa. Mọi người rất hòa đồng và quan tâm nhau nhưng ấn tượng nhất với tôi là bà chủ nhà trọ.

Nhớ tuổi thơ.
(Ảnh: Hồng Oanh)

Chủ nhật một ngày mưa. Nằm dài trong phòng mà đầu tôi ngổn ngang suy nghĩ. Bỗng vang lên đâu đó bài đồng dao thiếu nhi. Nó làm tôi khao khát trở về tuổi thơ dù cuộc sống ngày ấy vô cùng thiếu thốn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục