Văn K26 - mùa phượng cuối
- Cập nhật: Thứ hai, 4/6/2018 | 8:01:52 AM
YBĐT - Nhớ những ngày sân trường đầy nắng sau giờ thể dục, cả lũ chạy vội chạy vàng xuống căng-tin tìm thứ lót dạ, tranh nhau từng miếng bim bim, từng mẩu bánh mì. Nhớ những giờ ra chơi ngồi cắn hạt dưa với Bùi Linh và Tú Anh để "tám” những câu chuyện về tương lai…
Lớp Văn K26 và các cô giáo.
|
Mùa phượng cuối, tôi thấy lòng mình da diết những cảm xúc…
Nhớ những ngày sân trường đầy nắng sau giờ thể dục, cả lũ chạy vội chạy vàng xuống căng-tin tìm thứ lót dạ, tranh nhau từng miếng bim bim, từng mẩu bánh mì. Nhớ những buổi đi pic-nic cả ngày mệt nhoài mà vui thật là vui. Nhớ những giờ ra chơi ngồi cắn hạt dưa với Bùi Linh và Tú Anh để "tám” những câu chuyện về tương lai…
Rồi sẽ chẳng bao giờ được ngồi cùng bàn với Thanh để nghe những lời cằn nhằn của cô bạn mỗi lần tôi quên sách vở. Cũng sẽ chẳng bao giờ được ngồi cùng lớp trưởng để nhìn vẻ mặt cau có của cô nàng mỗi khi tôi đi học muộn… Tất cả những điều tưởng chừng như phiền phức ấy giờ đây khiến tôi đều cảm thấy tiếc nuối và hẫng hụt.
Xa mái trường này, xa tập thể lớp Văn K26, người tôi nhớ nhất là cô giáo chủ nhiệm Thanh Phương.
Nhớ ngày đầu nhập trường, người tôi gặp đầu tiên là một cô giáo trẻ có mái tóc dài, dáng người thanh mảnh, dịu dàng. Tôi lễ phép: "Em chào cô ạ!”. Cô cười hỏi: "Em là học sinh mới phải không? Em học lớp nào?”. Tôi khẽ đáp: "Thưa cô, em là học sinh lớp 10 Văn ạ”. Nghe tôi trả lời, cô cười rất tươi. Tôi thầm nghĩ: "Ước gì cô ấy là cô chủ nhiệm của mình!”.
Đúng là "cầu được ước thấy”, lúc nhận lớp, tôi như vỡ òa niềm vui vì cô giáo trẻ đẹp hồi nãy chính là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi. 35 học sinh lớp Văn là 35 thiếu nữ điệu đà cùng cô giáo chủ nhiệm chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Cô giáo trẻ luôn quan tâm, gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu chúng tôi. Thân thiết, chia sẻ, bao dung, cô với chúng tôi như một người chị cả trong nhà. Thế nên, mọi bất đồng của chúng tôi đều được cô hóa giải một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi thật sự bị lôi cuốn trong từng tiết học chứa đựng tâm huyết và cách giảng bài truyền cảm của cô. Cô là người đã chắp cánh cho ước mơ văn chương của các bạn và của riêng tôi.
Buổi học cuối cùng, cô trò chúng tôi mỗi người một tâm trạng. Lời tâm sự của cô: "Các em là những học trò của lớp đầu tiên cô được làm chủ nhiệm. Chưa có kinh nghiệm nên có thể có những lúc cô làm các em buồn nhưng cũng như mối tình đầu, dẫu vụng dại nhưng sẽ mãi là mối tình đậm sâu nhất. Cô sẽ mãi không bao giờ quên Văn K26, sẽ mãi không bao giờ quên các em!”. Các bạn rưng rưng. Tôi rưng rưng…
Giờ học tan, các bạn đã về, tôi không chạy nhanh đi lấy xe về cùng Phượng như mọi ngày. Một mình bước chậm trên sân trường vắng, tiếng ve râm ran với những chùm phượng vĩ đỏ rực càng gợi trong tôi nỗi nhớ lớp Văn K26. Chợt có tiếng ai gọi tên mình, tôi giật mình quay lại. Là cô, cô giáo chủ nhiệm yêu quý của tôi! Tôi muốn nói với cô thật nhiều điều, nhiều điều lắm mà sao chẳng thể diễn tả trọn vẹn cảm xúc trong khoảnh khắc ấy…
Sân trường chiều đầy nắng có bóng cô che chở bóng tôi...
Nông Thanh Thảo My (Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
YBĐT - Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết: "Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai... Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy dãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời”.
YBĐT- "Cây đa Bảo đổ rồi mày ạ! Lốc to quá! Nhà cái Nga sập rồi, may không ai làm sao, giờ đang mất điện!". Đọc tin nhắn, tôi bất giác lạnh buốt sống lưng. Nhấc máy lên thông báo cho cô bạn thân, nghe nỗi ngùi ngùi lan qua 300 km, tan vào nhau, thảng thốt.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh đáng sợ - bệnh vô cảm. Vô cảm là thái độ thờ ơ không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung quanh, làm ngơ trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Cách sống tiêu cực ấy đã đi ngược với truyền thống, đạo lý của dân tộc ta.
YBĐT - Ở lứa tuổi học trò, để có một người bạn chia sẻ buồn vui, giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống là một động lực to lớn đối với những cô cậu học trò. Chính điều đó đã làm nên phong trào "Đôi bạn cùng tiến” được phổ biến rộng trong các trường học.