Nguyễn Duy, 26 tuổi, là thủ khoa ngành và khoa Kinh tế, Đại học Teikyo, thành phố Tokyo, với GPA 3.71/4.0 hồi tháng 3.
"Em hơi bất ngờ về kết quả vì ở năm nhất, em chỉ xếp hạng 11 của ngành. Hơn nữa, khoa Kinh tế có tới 6.000 sinh viên. Nhưng đó là thành quả của hành trình nỗ lực, có chiến thuật và kế hoạch rõ ràng của em", nam sinh quê An Giang chia sẻ.
Năm 2016, Duy đặt chân đến Nhật chỉ với... 6 triệu đồng trong túi. Sau khi trả tiền thuê nhà, anh phải vay thêm hai triệu đồng mới có tiền sinh hoạt. Suốt hai năm học tiếng Nhật ở trường Ngôn ngữ Nhật Unitas, Tokyo, Duy tranh thủ làm thêm để trang trải tiền học và tiền ăn.
Xuất phát điểm không biết tiếng Nhật, Duy có chứng chỉ N1 (cấp độ cao nhất của Kỳ thi năng lực tiếng Nhật) trong một năm rưỡi. Để đạt trình độ ấy, thông thường người học phải mất ba năm. Nhờ thành tích chưa từng có trong lịch sử trường Unitas, thầy hiệu trưởng đã viết thư tiến cử Duy vào Đại học Teikyo.
Duy luôn mơ ước bước ra thế giới, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, sau khi tốt nghiệp trung học, anh phải làm nhiều việc để kiếm sống. Cựu học sinh chuyên Toán hai lần lỡ cơ hội du học Đại học Y Kharkov ở Ukraine và Đại học Malaya (Malaysia), một phần vì lý do tài chính.
Duy sau đó dành dụm tiền đi học tiếng Nhật ở Việt Nam, rồi vay mượn người thân khoảng 90 triệu đồng để sang Nhật. Vì thế, khi nhận được cơ hội từ hiệu trưởng Unitas, Duy quyết tâm học, với mục tiêu có tương lai tốt hơn.
Xác định điểm số quan trọng, vì sẽ làm sáng hồ sơ kể cả khi xin học bổng, lẫn xin việc, Duy xây dựng kế hoạch đăng ký môn từ năm nhất. Chương trình chia ra môn bắt buộc (core) và môn tự chọn. Những môn bắt buộc thường khó, do đó thay vì lấy tất cả môn khó vào năm nhất, Duy chia đều những môn đó và học trong ba năm.
Duy tuân theo quy tắc 2:6:2, tức 20% môn core, 60% môn chắc chắn được điểm tối đa và 20% môn sở trường. Duy có thế mạnh về ngôn ngữ, với tiếng Trung đạt HSK 5, tiếng Anh có TOEIC 890 điểm nên không mất nhiều thời gian học. Với quy tắc này, anh sẽ đầu tư hết thời gian vào các môn core.
Bằng chứng nhận thủ khoa ngành Kinh tế, Đại học Teikyo, của Nguyễn Duy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bằng chứng nhận của Đại học Teikyo ghi: "Trong quá trình học tập tại trường, em Nguyen Duy đã nỗ lực và đạt thành tích xuất sắc, trở thành thủ khoa ngành Kinh tế năm 2022". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Duy, mỗi trường và ngành có cách tính điểm riêng. Nhiều trường tính hệ 4.0 nhưng cũng có trường theo thang 4.3 hoặc 4.5. Đại học Teikyo tính 4.0, trong đó sẽ đánh giá theo bellcurve, tức 10% học sinh được loại S (4.0), 20% được A (3.0), 30% loại B (2.0), 30% loại C (1.0) và đánh trượt D (10%).
Duy đánh giá chỉ cần một điểm B, mọi công sức, sự cố gắng cả một học kỳ sẽ là vô ích. Trường không cho học cải thiện và trượt môn một lần vẫn bị ghi vào bảng điểm.
"Với cách tính điểm trên, thay vì lấy nhiều môn điểm cao, em sẽ cố không có môn nào điểm thấp. Em cũng lấy số lượng môn ít đi nhưng đảm bảo tất cả đều được điểm tối đa", Duy nói.
Để tối ưu thời gian, Duy luôn đọc trước và đọc kỹ syllabus (nội dung môn học). Mỗi môn đều có syllabus gồm thông tin giáo viên, nội dung và cách tính điểm. Ngành Kinh tế của Duy có khoảng 200 môn để chọn và mỗi kỳ, anh sẽ học 10 môn. Duy thường phải lọc 15-20 môn từ syllabus. Sau khi vào học thử 1-2 tuần, anh bắt đầu rút dần và chỉ giữ lại 10 môn phù hợp.
Nam sinh thích những môn tính điểm dựa trên làm báo cáo (report), thay vì làm bài kiểm tra. Report giúp Duy có thời gian chuẩn bị và tránh bị tâm lý lúc thi. Nhiều môn khi đọc syllabus, Duy đã đoán được chủ đề cuối kỳ của giáo viên nên tranh thủ kỳ nghỉ viết sẵn report. Khi có chủ đề cho báo cáo cuối kỳ, anh chỉ cần sửa lại cho phù hợp với yêu cầu của giáo sư.
Duy cho hay, để học hiệu quả, anh tham gia một nhóm bạn là sinh viên Nhật. Nhóm đăng ký cùng môn, cùng ôn thi, làm bài tập nhóm và hỗ trợ nhau học bài. Duy chịu trách nhiệm các bài tập liên quan đến tiếng Anh, còn các bạn Nhật giúp Duy chỉnh sửa báo cáo, thuyết trình bằng tiếng Nhật. Các thành viên có cùng mục tiêu học tập, luôn đôn đốc và tạo động lực để đạt kết quả tốt. Cả năm thành viên trong nhóm sau này đều trở thành thủ khoa và á khoa của các ngành khác nhau.
Trong số các môn học, Kinh tế khái luận là môn "cực khổ nhất" của Duy. Môn này thường phải chọn từ năm nhất nhưng sau khi đọc nội dung chương trình, xác định trình độ tiếng Nhật năm một chưa thể học nổi, Duy dành đến năm ba. Lớp có 267 sinh viên nhưng nửa lớp trượt, chỉ duy nhất Duy được trên 90 điểm và đạt loại S.
Đây là môn viết báo cáo, cần đọc và tổng hợp nhiều nguồn tài liệu. Để có kết quả tốt, anh từng phải thức đêm trong điều kiện thời tiết khô, lạnh, học đến "chảy máu mũi" vì đuối sức.
"Từ những lần như thế, em rút ra kinh nghiệm phải tham khảo trước ý kiến những người từng học môn đó", Duy cho hay.
Học kỳ đầu, kết quả học tập của Duy chỉ đạt 3.15 và có một môn đạt B do chưa quen cách học. Từ học kỳ hai, điểm số của anh bắt đầu được cải thiện và năm cuối đạt 4.0 ở cả hai kỳ. Duy hiện học thạc sĩ ngành Chính sách Kinh tế công tại Đại học Hitotsubashi, đứng top đầu ở Nhật về đào tạo Kinh tế. Du học sinh Việt giành được học bổng thạc sĩ khi chưa tốt nghiệp đại học.
Thầy Sasaki Toshihiko dạy Duy môn Tiền tệ và Tài chính tại Đại học Teikyo. Trong thư giới thiệu Duy cho chương trình thạc sĩ, thầy nhận xét Duy có khả năng cảm nhận và phân tích thị trường tuyệt vời. Duy là người duy nhất dự đoán chính xác chỉ số New York Dow Jones trước ba tháng (ngày 9/7/2021) mà hầu như không có sự chênh lệch.
Ông Sasaki cho rằng sự nhạy bén cùng khả phân tích của Duy có thể áp dụng vào thực tế để phân tích chính xác các chỉ số tài chính trong và ngoài nước. Những khả năng này sẽ giúp cho các nghiên cứu của Duy trở có tính ứng dụng cao trong tương lai.
"Tôi từng có thời gian dài làm việc tại Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội tiếp xúc với một người châu Á xuất sắc đến thế", thầy Sasaki, hiện đã nghỉ hưu, viết.
Với học bổng toàn phần gồm học phí và chi phí sinh hoạt trị giá hơn một tỷ đồng trong hai năm, Duy có thể yên tâm với việc học mà không cần quá vất vả làm thêm. Từ năm thứ hai đại học, Duy đã làm cho công ty ở Anh. Hiện một số công ty đã gửi lời mời nhưng Duy muốn tập trung vào việc học trước.
Chàng trai Việt khuyên, ứng viên muốn du học Nhật, dù học ngành kỹ thuật hay xã hội, cũng nên học tốt môn Văn từ trung học vì lên đại học phải viết báo cáo nhiều. Duy dự định học xong thạc sĩ sẽ ở lại Nhật 1-2 năm làm việc, sau đó sẽ về Việt Nam.
(Theo VnExpress)