Phạm Hoàng Sơn (lớp 12 Toán, trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học quốc gia TP HCM) là thí sinh duy nhất của TP HCM góp mặt trong đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2022 tại Oslo, Na Uy từ ngày 6/7 đến 16/7. Đạt 30 điểm, Sơn giành huy chương bạc và cách mốc đạt giải vàng 4 điểm.
"Em cảm thấy vui và hạnh phúc. Dù không đạt được huy chương vàng, em đã làm hết sức mình", Hoàng Sơn cho biết tại nhà riêng ngày 19/7, một ngày sau khi trở về từ cuộc thi.
Theo dõi phần trao giải trực tuyến, anh Kỳ, chị Nguyệt, ba mẹ của Sơn, xúc động trước khoảnh khắc con trai bước lên đài quốc tế nhận huy chương. "Gia đình rất vui và tự hào về Sơn. Đây cũng là kỷ niệm đẹp, một dấu mốc quan trọng trong suốt 12 năm học của con", chị Nguyệt nói.
Giành giải Toán quốc tế nhưng khi còn nhỏ, Sơn lại sớm bộc lộ năng khiếu với môn tiếng Anh. Ngay khi vào tiểu học, em đã tập nghe ngoại ngữ qua các đĩa CD. Đến lớp 3, Sơn bắt đầu tìm hiểu về Toán Kumon của Nhật - chương trình giúp học sinh rèn khả năng tự học. Chỉ trong hai năm, em đã hoàn thành chương trình Đại số Toán 12 của Kumon.
Khi Sơn trở thành học sinh lớp 6, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thầy giáo dạy Toán nhận thấy năng lực của Sơn và giúp em theo đuổi môn học này. Như "cá gặp nước", Sơn nhanh chóng bật lên và giành hàng loạt thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi, trúng tuyển lớp chuyên Toán trường Phổ thông năng khiếu với vị trí thủ khoa đầu vào.
Trong hai năm lớp 10 và 11, dù đạt giải nhất quốc gia, Sơn vẫn lỡ tấm vé góp mặt trong đội hình dự thi Toán quốc tế. Em đứng thứ 8, trong khi đội tuyển quốc tế chỉ lấy 6 học sinh. "Với mong muốn thử sức bản thân và làm quen với các anh chị khóa trên, em không quá buồn về kết quả này", Sơn nhớ lại. Dù vậy, nam sinh ý thức được việc mình chỉ còn một cơ hội cuối cùng vào năm lớp 12, nên quyết tâm thực hiện mục tiêu mà hai năm trước không thành công. Lần này, Hoàng Sơn giành vé vào đội chính thức.
"Ban đầu, gia đình cũng không muốn em tập trung quá nhiều cho kỳ thi này vì kiến thức Toán quốc tế không phục vụ nhiều cho chương trình đại học. Ba mẹ muốn em đủ kiến thức chuyên môn chứ không chỉ riêng kiến thức về Toán. Sau nhiều lần thuyết phục, ba mẹ cũng đồng ý và tôn trọng quyết định của em", Hoàng Sơn tâm sự. Dù vậy, em cũng chủ động cân bằng nên tự học và nghiên cứu lịch sử.
Trong quá trình ôn tập, Sơn chủ yếu luyện đề của các kỳ thi trước, tham khảo kiến thức, tài liệu trên internet. Nam sinh ít mua sách, thay vào đó em có thói quen tra cứu thông tin, đáp án, tài liệu qua máy tính, điện thoại. "Mỗi khi giải đề em tập trung suy nghĩ, không đặt nặng áp lực về việc phải giải được mọi bài. Những lúc bí bách, chưa tìm ra lời giải, Sơn hỏi thầy, các anh chị đã từng thi hoặc tham khảo cách làm của bạn bè.
Hơn một tháng ôn tập ở Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tại Hà Nội, Hoàng Sơn kết thân với thành viên trong nhóm. Mọi người cùng nhau trò chuyện, trao đổi, tìm tòi cách giải đề, chơi thể thao để giải tỏa căng thẳng. "Các bạn thân thiện, giúp đỡ em rất nhiều nên em cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà", Sơn kể.
Trước ngày thi, Hoàng Sơn giữ tinh thần thoải mái và đã có một đêm ngon giấc. Khi làm đề thi Toán Olympic quốc tế, Sơn không giải quyết được hai câu liên quan tới kiến thức số học và tổ hợp. "Đây cũng là hai câu đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều, nó vượt qua khả năng của em", Sơn bày tỏ.
TS Lê Bá Khánh Trình và TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông năng khiếu, là những người trực tiếp giảng dạy, theo dõi sát sao và hỗ trợ quá trình ôn luyện của Sơn. Nhắc tới cậu học trò với sự tự hào, thầy Dũng đánh giá Sơn có năng khiếu nổi trội về Toán. Em nắm bắt vấn đề nhanh và luôn suy nghĩ thấu đáo để hiểu sâu sắc các khía cạnh liên quan.
Vì thế, nam sinh có nền tảng kiến thức chắc chắn, tư duy sâu để giải quyết các vấn đề hóc búa. "Năm nay, Sơn là thủ lĩnh đội tuyển toán của trường, em rất hòa đồng và đã hỗ trợ tốt cho các bạn, các em cùng đội tuyển", thầy Dũng chia sẻ.
Với huy chương bạc Olympic Toán quốc tế, Phạm Hoàng Sơn được tuyển thẳng vào ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TP HCM). Theo Sơn, ngành học này thiên về Toán ứng dụng, có thể áp dụng được kiến thức Toán học để phục vụ đời sống.
Mục tiêu tương lai xa của Sơn là du học. Tuy nhiên, em vẫn sẽ hoàn thành chương trình cử nhân tại Việt Nam, dành thời gian hỗ trợ đàn em khóa sau chinh phục các cuộc thi Toán học. "Em muốn truyền lại tất cả kiến thức được dạy. Biết đâu trong số những em khóa sau, sẽ có người giành huy chương vàng, điều mà em chưa thực hiện được", Sơn nói.
(Theo VnExpress)