Chuyện về đôi tay "nhúng chàm”
Từng không ít lần hình dung về câu chuyện khởi nghiệp của cô gái trẻ sinh năm 1993 "bỏ phố lên núi”, chỉ tới khi gặp Vân mới biết, chính niềm say mê cỏ cây và tâm hồn tha thiết tự do đã đưa chân cô đến với đại ngàn bao la.
Ít ai biết, người con gái gốc Nam Định với vóc người nhỏ bé, lúc nào cũng tất bật cùng đôi bàn tay xanh lét màu chàm ấy từng tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp tại một trường đại học ở ngoại thành Hà Nội và cũng từng rong ruổi qua nhiều miền đất, thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau trước khi chọn Sa Pa là điểm dừng chân để tìm hiểu về chàm.
Nói về hành trình "bén duyên” với chàm, Vân chia sẻ, cô tình cờ được biết và tiếp xúc với chàm qua gia đình A Nủ - một gia đình có nghề nhuộm chàm như bao gia đình H'Mông truyền thống khác ở Sa Pa. Từ lần chạm đầu tiên vào chàm, trong cô gái trẻ đã hình thành niềm say mê kỳ lạ với thứ chất liệu của núi rừng này. Từ đó, cô tự mày mò, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về nhuộm chàm.
Vân tìm đến tận các bản làng của người H’Mông để học cách nhuộm, cách ủ chàm, cả những bí kíp về cách tạo ra cao, cách xem ngày, nhìn thời tiết, và nhiều kỹ năng không thấy được bằng mắt thường. Những chuyến hành trình về bản và cuộc trò chuyện với người dân nơi đây không chỉ cho cô gái trẻ kiến thức mà còn cả giá trị tinh thần đằng sau những thước vải nhuộm chàm.
Dần dà, tay nghề của Vân càng thêm vững vàng hơn. 5 năm thử hết kỹ thuật này tới chất liệu kia cũng đủ cho cô có một vốn quý về tư liệu sản xuất. Và giờ đây Vân đã gây dựng được một "cơ ngơi” đồ sộ về chàm cho riêng mình.
Chia sẻ về chuyện nhuộm chàm, Vân cho biết, hành trình của màu chàm - từ lúc lá chàm được chiết xuất thành cao chàm, nhuộm xanh từng thớ vải, đến khi hóa mình vào trong những bộ trang phục - là một hành trình liên tục kéo dài hàng tháng trời. Muốn nhuộm được chàm, người ta phải ủ lên men bằng cách ngâm thân và lá chàm trong nước cho đến khi mục, sau đó thu được cao chàm thì mới đem đi nhuộm vải chứ không đơn thuần chỉ là đun nóng lấy dung dịch màu như nhuộm các loài thực vật khác. Vải ngâm trong chàm cũng phải qua rất nhiều công đoạn, từ nhuộm rồi đến phơi, rồi lại nhuộm, kéo dài khoảng 2 tuần thì thu được được màu vải chàm ưng mắt, không bị phai.
Việc tạo ra một sản phẩm nhuộm chàm hoàn chỉnh đòi hỏi sự tận tâm tuyệt đối mà chỉ có những tâm hồn yêu chàm, say mê chàm mới có thể theo đuổi. Nhuộm chàm là một quy trình nối kết giữa đôi bàn tay khéo léo của người miền cao với những gì thiên nhiên ban tặng như nguồn nước trong sạch, nhiệt độ lý tưởng. Mỗi công đoạn là một lần sắc thái chàm thay đổi, kích hoạt sự tò mò, nó buộc người ta phải vận dụng mọi giác quan để cảm nhận và điều chỉnh.
Hành trình "dệt thêu” văn hóa
Nhận thấy những người trẻ hiện đại ngày càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến vòng đời của một món đồ và hơn hết, cái đẹp luôn phải song hành với trách nhiệm xã hội trong việc giảm thiểu những tác hại tiêu cực đến với môi trường, nên ý tưởng về việc nhuộm lại những món đồ cũ và sáng tạo chúng theo cách riêng đã dần hình thành trong Vân, thôi thúc cô bắt tay vào thực hiện.
Những sản phẩm thủ công của Vân được du khách ưa thích.
Vân tìm những tấm vải thừa để sáng tạo ra những sản phẩm mới, đôi lúc là từ quần áo cũ truyền thống mua được tại các phiên chợ của người H'Mông. Cô phá chúng ra, nhuộm lại và tự tập may thêu, tập đắp vá các miếng vải và phối lại màu… Vì được tạo ra bằng cách cắt ghép nhiều món đồ, chất liệu thời trang cũ, nên mỗi sản phẩm đều được Vân làm ra với số lượng cực kỳ giới hạn, mỗi ngày cô chỉ làm nhiều nhất từ một đến hai sản phẩm. Tinh thần "thời trang chậm” này cũng là cách cô gái trẻ hướng đến phát triển sản phẩm một cách bền vững, giúp mỗi món đồ mang trong mình một câu chuyện riêng, chứa đựng niềm đam mê và tình yêu của người làm ra nó.
Với Vân, việc tái chế đồ cũ với chàm không chỉ là một xu hướng thời trang mà còn là cách tặng cho chúng một hơi thở mới: "Mình tin rằng, những món đồ làm hoàn toàn bằng tay, nhuộm từ cỏ cây thiên nhiên có một sức sống riêng biệt, khác với các sản phẩm dệt công nghiệp đang được bày bán tràn lan trên thị trường” - Vân tâm sự.
Con đường đưa những sản phẩm thủ công nhuộm chàm đến với du khách những ngày đầu trải qua nhiều khó khăn. Vân từng nhiều lần mang các sản phẩm của mình đến giới thiệu ở các phiên chợ hay sự kiện, dù chỉ bán được một đến hai sản phẩm. Dần dần, du khách tìm đến Vân để được nghe cô nói về cái hay, cái đẹp và những giá trị của chàm trong với đời sống văn hóa của người dân tộc. Cũng từ đó, họ cảm nhận được tính sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công và tìm đến mua ngày một nhiều. Vân cũng thường xuyên mở các workshop chia sẻ kinh nghiệm làm và nhuộm chàm, truyền đạt lại kỹ thuật đến những người có chung đam mê.
Cô mong muốn khách du lịch đến với Sa Pa sẽ có một không gian riêng để được trải nghiệm nhuộm chàm, hiểu hơn về giá trị của những món đồ thổ cẩm đã được bàn tay khéo léo của phụ nữ nơi đây chăm chút…
(Theo NDO)