Nguyễn Nguyễn Trúc Đào, 29 tuổi, sẽ giảng dạy, đào tạo tiến sĩ và tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực Tối ưu hóa và Điều khiển tối ưu, thuộc ngành Toán học ứng dụng tại đây vào tháng 7. Trước đó, Đào là nghiên cứu sinh của Đại học Wayne State, Phó giáo sư tại Đại học Michigan, Ann Arbor - ngôi trường ở vị trí 11 về ngành Toán trên bảng xếp hạng đại học Mỹ của USNews.
"Cha mẹ chỉ mong tôi trở thành một giáo viên Toán bình thường. Nhưng bây giờ, tôi đến Mỹ nghiên cứu và dạy Toán là điều quá sức tưởng tượng", Đào nói.
Đào sinh ra ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có bố là thợ buôn bán phụ tùng xe máy, mẹ là giáo viên tiểu học. Vì người bố từng rất thích học Toán, ngày còn nhỏ, Đào và em gái thường được bố đố một vài bài toán vui trước khi đi ngủ.
"Nếu làm không ra thì bố cho một gợi ý nhỏ để hôm sau hai anh em suy nghĩ tiếp, đến khi nào làm được thì thôi chứ bố không cho xem lời giải", Đào nhớ lại. Điều đó khiến Đào và em gái phấn khích mỗi khi tìm ra đáp án, cũng nuôi dưỡng niềm say mê với môn học này.
Sau khi học xong cấp ba tại trường THPT Tây Sơn, Đào trúng tuyển vào ngành Sư phạm Toán, trường Đại học Quy Nhơn. Ở thành phố nhỏ, Internet chưa phổ biến, Đào tận dụng mọi tài liệu để học, từ mượn thầy cô, thư viện, trao đổi với bạn bè. Sau 4 năm, Đào tốt nghiệp thủ khoa. Con đường trở thành giáo viên tưởng chừng đã rộng mở, nhưng Đào bất ngờ rẽ hướng khi biết đến "du học".
Khi đó, các thầy ở Đại học Quy Nhơn nói với Đào về cơ hội đi học thạc sĩ ở nước ngoài, trong đó có chương trình cao học quốc tế ở Viện Toán học ngoài Hà Nội. Sau khi học xong, Đào có thể đi học tiếp ở Pháp, Mỹ, Đức, Italy.
"Tôi quyết định đánh liều ra Hà Nội", Đào cho hay. Đây cũng là một trong những chuyến đi xa nhất của Đào ở thời điểm ấy. Ở Viện Toán, ngoài học với các giảng viên người Việt, Đào được học với các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu người Pháp. Tuy nhiên, đây cũng là điều khó khăn nhất với Đào vì vốn ngoại ngữ gần như bằng không. Đào phải nhờ các anh, chị trong Viện dịch lại bài giảng của thầy rồi làm bài giải ra giấy.
Một thầy giáo dẫn Đào đến trung tâm tiếng Anh để học IELTS. Những ngày đầu, Đào chật vật, ngồi ở lớp từ sáng đến tối để học. Thấy vậy, thầy dạy IELTS giao cho Đào chìa khóa trung tâm để có thể ngủ lại, giảm học phí và cho chọn bất cứ lớp nào.
Để trang trải sinh hoạt ở Hà Nội, Đào được thầy cô ở Viện tạo điều kiện, ký hợp đồng làm nghiên cứu viên. Đào nói dù được nhiều thầy cô, bạn bè giúp đỡ, vẫn có lúc thấy chạnh lòng vì cô đơn. Có lần bị tai nạn gãy tay, Đào gọi về cho bố mẹ rồi khóc. Đào cũng từng băn khoăn về con đường mình đang đi nhưng sau đó lại trấn an phải bước tiếp.
Nhờ thầy cô hướng dẫn, Đào ứng tuyển và được 8 trường đại học ở Pháp cấp học bổng thạc sĩ, trong đó có Đại học Paris-Saclay, Đại học Lyon, Toulouse, Nantes... Lúc này, qua sự giới thiệu của PGS.TS Lương Đăng Kỳ, giảng viên Toán, trường Đại học Quy Nhơn, Đào cũng biết đến học bổng tiến sĩ ở khoa Toán của Đại học Wayne State, Mỹ.
"Lúc đó, tôi mới thi được 5.5 IELTS, trong khi yêu cầu là 6.5, vẫn phát âm sai, nên dù được gọi phỏng vấn, tôi không mấy hy vọng mình có thể đi Mỹ", Đào nhớ lại. Tuy vậy, hướng nghiên cứu của Đào phù hợp với vị giáo sư phỏng vấn. Trước băn khoăn về khả năng ngôn ngữ và hòa nhập của Đào, TS Kỳ đã viết thư "bảo lãnh", nói tin tưởng Đào sẽ khắc phục được. Theo Đào, nhờ uy tín của thầy nên ngay hôm sau đã nhận được thư chấp nhận, cấp học bổng để theo đuổi chuyên ngành Toán giải tích điều hòa.
Tháng 7/2016, Đào đến Mỹ. Đào quyết cải thiện tiếng Anh vì hiểu rằng điều này rất quan trọng để trao đổi công việc và cuộc sống hàng ngày. Đào chịu khó phát biểu, nói chuyện, rồi nhờ một số người bạn nước ngoài sửa cho từng âm đến khi đạt mới thôi.
"Các thầy rất ấn tượng vì chỉ sau vài tháng tôi không còn tự ti về tiếng Anh nữa mà nói chuyện thoải mái với mọi người", Đào kể. Sau một thời gian ngắn, Đào bắt đầu được đứng lớp, hỗ trợ sinh viên trong khoa.
Năm 2021, Đào tốt nghiệp và bắt đầu xin việc. Lúc này, Đào đã có khoảng 10 công bố quốc tế trong lĩnh vực Điều khiển tối ưu. Xác định chỉ thích nghiên cứu, Đào chuẩn bị hồ sơ và thư giới thiệu gửi đến gần 80 trường đại học chứ không ứng tuyển vào doanh nghiệp.
Kết quả, Đào nhận được 70 cuộc hẹn phỏng vấn qua zoom, 8 cuộc hẹn phỏng vấn trực tiếp tại trường, trong đó có những tên tuổi lớn như Đại học Berkeley, Yale, Rice, Johns Hopkins.
Ở vòng cuối cùng, trong một tuần, Đào phải đến ba trường, mỗi trường 2 ngày. Tại đây, Đào thuyết trình về các nghiên cứu của mình trước hội đồng, thể hiện khả năng nghiên cứu và dạy học. Vòng này, theo Đào chủ yếu để các trường xem tính cách, ứng xử của ứng viên có phù hợp với văn hóa của trường hay không. Một số trường yêu cầu Đào gặp gỡ, giao lưu với sinh viên và dạy thử.
"Đến ngày cuối cùng, tôi không thể cười nổi nữa vì quá mệt", Đào nhớ lại. Trong bảy nơi trúng tuyển, Đào chọn làm Phó giáo sư tại khoa Toán, Đại học Michigan, Ann Arbor. Đào cũng nhận nghiên cứu cách tối ưu hóa thời gian điều trị xạ trị khối u não tại Bệnh viện Beaumont, lớn nhất ở Michigan.
Ngày đầu đứng lớp cho sinh viên cao học ở Michigan, Đào không mấy bỡ ngỡ bởi điểm khác biệt chỉ là cách hỗ trợ sinh viên tiếp cận với vấn đề, còn lại tương tự như khi Đào đứng lớp ở Wayne State. Ngoài ra, Đào từng học một số môn nghiệp vụ sư phạm ở Việt Nam nên giải quyết các tình huống dễ dàng.
"Ví dụ một bài toán giải phương trình, ở Việt Nam tôi được dạy là chuyển vế đổi dấu, ở đây dạy cộng hai vế cho cùng một số (âm hoặc dương), bất cứ điều gì ta làm ở một vế của phương trình, ta phải làm điều tương tự cho vế còn lại, do đó phải yêu cầu tư duy logic hơn", Đào nói. Đào cũng thích thú khi sinh viên hỏi rất nhiều, không chỉ trên lớp mà cả những khi trao đổi ngoài giờ học.
Trên hệ thống đánh giá giảng viên của Đại học Michigan Ann Arbor, Đào nhận nhiều phản hồi tích cực.
"Đào là một người hướng dẫn tuyệt vời. Rất rõ ràng và súc tích. Có khá nhiều bài tập về nhà, nhưng nó thực sự giúp bạn hiểu tài liệu và giúp ích cho điểm số của bạn. Đào cung cấp tất cả công cụ cần thiết và dạy tôi những kỹ năng mà tôi sẽ sử dụng trong công việc của mình", một sinh viên viết.
Đào và em gái (cũng là tiến sĩ Toán học), chụp cùng giáo sư hướng dẫn hai anh em - Boris Mordukhovich (đầu tiên từ trái qua) và Giáo sư Ralph Tyrrell Rockafellar - một trong những học giả hàng đầu về lý thuyết Tối ưu hoá. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đầu năm nay, Đào nhận tin trúng tuyển vị trí giáo sư bậc 1 tại Đại học San Diego State (ở Mỹ có ba bậc giáo sư: assistant professor, associate professor và full professor, bậc 1 là bậc đầu tiên).
Về kinh nghiệm xin việc, Đào nói phải đọc thật kỹ thông báo tuyển dụng. Trong trường hợp của Đào, cần xem xét họ tuyển Toán ứng dụng mảng Điều khiển tối ưu hay các mảng khác trong ngành. Sau đó, Đào sử dụng công cụ lọc trên website để chọn ra ngành và trường mà mình mong muốn.
"Phải tránh việc không thể trả lời những thông tin đã có trên web", Đào cho biết đã trượt phỏng vấn hai trường vì bị nhầm thông tin. Ở vòng ba, Đào chuẩn bị, tập phỏng vấn trước nhiều nhất có thể.
Nói về học trò cũ ở Quy Nhơn, PGS.TS Lương Đăng Kỳ nhận xét Đào có năng lực, cá tính và mạnh mẽ. Ngày đi học, Đào thể hiện sự say mê với Toán, luôn tìm tòi các hướng nghiên cứu mới.
"Tôi cảm nhận Đào sẽ thành công. Đó là lý do tôi viết thư gửi đồng nghiệp ở Đại học Wayne State khi ông ấy băn khoăn về khả năng tiếng Anh của Đào", TS Kỳ nhớ lại. Theo ông, với Toán học, điều kiện về địa lý không quan trọng. Để nghiên cứu Toán, ngoài năng lực cần nhất là sự say mê và kiên trì để đi đường dài. Đào thành công vì có tất cả điều đó, dù xuất phát điểm không có những tấm huy chương nổi trội về môn Toán.
Còn Đào luôn cho rằng mình may mắn vì được thầy cô ở Đại học Quy Nhơn và Viện Toán học giúp đỡ. Điều này truyền động lực, khiến Đào khát khao góp sức hỗ trợ sinh viên Việt theo đuổi Toán học ở Mỹ.
Về bản thân, theo Đào, có lẽ bí quyết là luôn tiến lên từng bước và lạc quan.
"Các bài toán đố của bố hay những ngày cùng thầy cô nghiên cứu, cùng bạn bè ra biển chuyện trò, giải Toán ở thành phố Quy Nhơn, đã dẫn tôi đến tình yêu Toán một cách tự nhiên", Đào nói.
(Theo VnExpress)