Sinh viên Việt mang xe hydro đua với thế giới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/6/2024 | 7:54:24 AM

Xe tự hành chạy bằng xăng, điện, năng lượng mặt trời... khá quen thuộc, tuy nhiên đua xe chạy bằng hydro thì vô cùng mới mẻ. Trên thế giới, xe hydro chỉ mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng và sản phẩm của mình - chiếc xe đua chạy bằng hydro
Nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng và sản phẩm của mình - chiếc xe đua chạy bằng hydro

Đầu tháng 7-2024, nhóm 6 sinh viên Trường đại học Lạc Hồng sẽ sang Indonesia tranh tài tại cuộc thi Shell Eco Marathon 2024, một trong những cuộc đua xe tự hành tiết kiệm năng lượng dành riêng cho sinh viên được "ông lớn" trong ngành năng lượng Shell tổ chức 40 năm qua.

Năm nay tại trường đua Pertamina Mandalika International Street Circuit nổi tiếng ở đảo Lombok (Indonesia), hàng trăm sinh viên đại diện từ khoảng 20 quốc gia châu Á, Thái Bình Dương sẽ tranh tài những chiếc xe thế hệ mới tiết kiệm năng lượng.

Những buổi làm xe tới đêm

Gặp gỡ nhóm sinh viên vào đầu tháng 6 có thể cảm nhận được không khí tất bật của nhóm sinh viên chuẩn bị những bước cuối cùng trước kỳ thi. Trần Quốc Kiệt - sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô - cho biết chiếc xe đã được nhóm bắt tay vào làm liên tục từ tháng 11-2023 đến nay.

Cứ mỗi ngày sau giờ học, các thành viên trong nhóm ở lại xưởng của trường để làm, có những buổi làm tới đêm.

Từ tháng 11 năm ngoái đến trước Tết, cả nhóm hoàn thành trước phần khung xe, hoàn toàn bằng carbon. Kiệt chia sẻ khung xe được nhóm chỉnh đi chỉnh lại rất nhiều lần để đảm bảo các yếu tố động lực học giúp xe có thể đi nhanh nhất nhưng vẫn giữ được độ chắc chắn. Chẳng hạn, thiết kế khung xe được làm thon từ mũi đến đuôi xe nhằm có lợi thế nhất về sức cản gió.

Sau Tết, nhóm phân chia công việc chuẩn bị "nội thất" cho xe. Một bạn được phân đi hệ thống điện, một bạn lo thiết kế các chi tiết cơ khí, một bạn sắm sửa các chi tiết chuyển động cho xe...

Nhiều lúc chỉ vì kiếm một linh kiện, nhóm phải cử người chạy khắp Đồng Nai, TP.HCM để kiếm. Một số linh kiện phải được nhóm đặt hàng từ tận... Thái Lan. Đến tháng 5-2024, chiếc xe cơ bản được hoàn tất và bắt đầu được cho chạy thử nghiệm.

Cái khó nằm ở chỗ thiết kế xe có thể hoạt động trơn tru khi chạy với năng lượng hydro. ThS Trương Quốc Khánh - giảng viên khoa cơ điện điện tử, Trường đại học Lạc Hồng - cho biết xe tự hành bằng hydro là lĩnh vực rất mới mà ngay cả trong cuộc thi của Shell năm 2023 cũng chỉ có hai đội thi đến từ Hàn Quốc.

Các bộ thiết bị chuyển hóa hydro thành năng lượng hiện rất đắt, có bộ cả trăm triệu đồng, nên không dễ để sinh viên tiếp cận. Vì vậy thầy Khánh cho biết nhóm đã phải "lục lọi" và tìm kiếm các nguồn thiết bị từ nhiều nơi để vừa chạy tốt vừa tiết kiệm.

Hiện tại xe chạy bằng hydro sử dụng công nghệ pin nhiên liệu, kết hợp khí hydro với oxy trong không khí trong một pin nhiên liệu để tạo ra điện năng, sau đó cung cấp năng lượng cho động cơ điện của xe.

Các thành phần chính của xe chạy bằng hydro bao gồm bộ chuyển đổi nhiên liệu - nơi diễn ra phản ứng hóa học để sinh ra điện, bình chứa hydro, động cơ điện, và thường có một bình ắc quy nhỏ hơn được sử dụng để lưu trữ năng lượng từ phanh tái sinh và cung cấp năng lượng bổ sung cho quá trình tăng tốc.

Tranh hơn kém vài cm

Lồ Vy Khánh - sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường đại học Lạc Hồng - từng là tài xế trong cuộc đua năm 2023 cũng diễn ra tại Lombok, Indonesia. Năm nay Khánh tiếp tục được giao trọng trách làm tài xế cho chiếc xe đua. Mỗi tuần Khánh đều dành thời gian sau giờ học để tập lái xe trên sân trường cho quen với chiếc xe mới dùng hydro.

Khánh cho biết nhìn chung về điều khiển, xe hydro không khác nhiều so với những chiếc xe tự hành bằng điện. Tuy nhiên người lái sẽ phải nắm được cơ chế hoạt động của động cơ máy và có cảm nhận tốt về chiếc xe để biết tổng thể chiếc xe đang trong trạng thái thế nào. Tài xế cũng sẽ phải biết cách xử lý những sự cố bất ngờ xảy ra trong xe.

Khánh cho biết đội đua sẽ có tổng cộng 3 vòng chạy thử, 5 vòng chạy thật. Thành tích cao nhất sẽ được tính cho nhóm. "Tài xế sẽ phải thuần thục những kỹ năng như bóp thắng, thả ga, nhất là khi đến những đoạn cua, con dốc để xe chạy được xa nhất. Trong cuộc thi này, xe nào chạy được xa nhất với cùng một lượng nhiên liệu sẽ thắng cuộc. Có khi hơn nhau chỉ vài cm", Khánh nói.

Hiện tại chiếc xe của nhóm đã được "xuống tàu" vượt biển đến Lombok. Quốc Kiệt nói quá trình từ ý tưởng đến thiết kế chiếc xe và sắp tới là tranh tài đã cho nhóm các bạn học được rất nhiều thứ. Ngoài việc có thể tự tìm hiểu về kỹ thuật, công nghệ trong ô tô, nhóm còn biết cách sắp xếp công việc, phân chia tiến độ dự án.

Đủ tiêu chuẩn mới được thi đấu

Theo ThS Trương Quốc Khánh, ban tổ chức kiểm tra rất kỹ từng chi tiết của chiếc xe trước khi cho phép lăn bánh trên đường đua. Chẳng hạn, ban tổ chức đảm bảo kết cấu xe của các đội, các linh kiện sử dụng, hệ thống điện, nhiên liệu...

Chỉ những chiếc xe nào đủ tiêu chuẩn mới được thi đấu, còn không sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa theo yêu cầu của ban tổ chức, dù cho xe đã được mang tới cuộc thi.

Đánh giá cao các đội VIệt Nam

Năm 2024, Shell Eco Marathon có hai đại diện từ Việt Nam thi đấu là Trường đại học Lạc Hồng và Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Đây cũng là hai đội tham gia vòng chung kết cuộc thi năm 2023.

Ban tổ chức luôn đánh giá cao chất lượng của các đội thi từ Việt Nam, khi trước đó các đội thi Việt Nam (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) từng giành các giải thưởng cao trong cuộc thi năm 2022, bao gồm giải nhì và giải ba khi tranh tài ở hạng mục xe nhiên liệu đốt trong.

(Theo TTO)

Các tin khác

Từ khóa "chữa lành" đang rất thịnh hành trong giới trẻ Việt. Thậm chí, nhiều người đã không ngần ngại chi hàng chục triệu đồng cho "du lịch chữa lành".

Lê Tuấn Hy (trái) và Nguyễn Lê Quốc Bảo nhận bằng khen của UBND TP HCM, chiều 21/5.

Học chuyên Anh và Sinh, Quốc Bảo và Tuấn Huy giành giải nhì thi Khoa học quốc tế ISEF với phần mềm thực hành y khoa, cao nhất đoàn Việt Nam kể từ năm 2012.

Nguyễn Kiến Hào.

Nhận thấy vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nhức nhối, Nguyễn Kiến Hào sáng kiến phát triển túi nilon làm từ tinh bột thân thiện với môi trường.

Khoảnh khắc học sinh Việt Nam được vinh danh

Sau 12 năm, kể từ khi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức trên phạm vi cả nước và tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2012 đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải nhì.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục