Nhớ tết xưa

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/2/2010 | 9:50:27 AM

-“Để con đi với bố cho vui”. Đó là ngày 30 Tết, bố đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ màu xanh, dường như nó đã quá già nên cái gì cũng long lay, cọc cạch. Tuy vậy, nó lại là phương tiện lưu thông trên đường duy nhất của cả nhà tôi. Bố con tôi đi chợ sắm tết.

Nói là đi chợ sắm tết nhưng thực ra bố con tôi đi để “dọn” hàng cho người ta.

Ngày 30 rồi, người đi chợ đã chẳng còn mấy. Hơn nữa, chợ quê ngày 30 cũng ảm đạm như chính cái cảnh nghèo của gia đình tôi vậy. Hay trong con mắt của một đứa trẻ nghèo thì cái không khí ảm đạm trong nhà mình nó theo ra cả chợ, đến bất cứ đâu. Hai bố con tôi đi chợ mua thịt và đong gạo. Vì chẳng có nhiều tiền nên bố tôi mua những loại thịt mà có lẽ đối với những nhà khá giả thì họ không bao giờ phải ăn cả.

Nhưng với những nhà nghèo như gia đình tôi thì có để ăn đã là quá tốt rồi. Bố cũng mua thêm vài thứ lặt vặt khác. Đi chợ sắm tết, cái khoảng thời gian có vẻ vui vẻ đó cũng vụt qua nhanh như lúc tôi ăn một bát cơm vơi khi đang đói vậy. Hai bố con lại ra về.

Dưới cái nắng hanh hao, tôi chợt nhận ra mái đầu của bố đã bạc nhiều vì lo toan, vất vả. Bố nhường chiếc mũ cối cũ kỹ cho tôi và gò lưng đạp. Tôi ngồi đằng sau ôm khư khư những thứ vừa mua được như sợ ai lấy mất. Bố dừng lại ở nhà một người quen để nghỉ. Đó là nhà chú bán gạo. Dừng lại đây để đong gạo chịu.

Tình cờ tôi gặp cô giáo chủ nhiệm của mình ở đó. Không biết các bạn cảm thấy như thế nào khi gặp cô giáo của mình trong một hoàn cảnh như vậy? Còn tôi, một đứa bé con nhà nghèo lại ý thức rất rõ thân phận của mình thì cho rằng đó là sự... xấu hổ? Vâng, tôi xấu hổ, tôi ngượng.

Vì ngượng mà tránh nhìn cô, tránh mọi câu hỏi của cô. Tôi cứ sốt ruột, thấp thỏm, mong sao được về ngay lúc ấy để không phải giáp mặt với cô giáo.

Từ xưa tới nay, nói chung, càng nghèo càng nghĩ, càng nghĩ lại càng già. Nhưng thứ mà cái nghèo đã gieo vào tâm hồn tôi là tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đói cơm đói gạo chứ chẳng bao giờ đói tình thương. Đã có con cái nhà ai bảo nhau nhường cơm cho bố mẹ, nhường miếng ăn cho nhau lúc đói? Vậy mà chị em tôi đã làm như thế.

Những năm tháng khó khăn cũng đi qua. Bây giờ gia đình tôi cũng khấm khá hơn, có của ăn của để. Chị em tôi cũng đã lớn.

Tết xưa đã trở thành kỷ niệm, nhưng những kỷ niệm ấy không chôn sâu, giấu chặt trong lòng mà đôi lúc làm sống dậy những ám ảnh ngày xưa của tôi. Cái nghèo và sự túng thiếu, tôi không bao giờ muốn nhớ lại. Chẳng phải tôi phụ bạc với quá khứ mà nếu nhắc lại tôi thấy rất sợ. Tôi sẽ khóc. Đã hơn một lần tôi khóc. Khóc vì thương bố.

Tôi học trọ xa, tết đến tôi mong được sớm về với bố mẹ. Lúc này đây, những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Nó rõ ràng như vừa mới hôm qua vậy. Trong sâu thẳm tâm tồn, tôi nghe thấy tiếng nói thân thương, ấm áp của bố và cảnh chợ tết quê mình. Tôi mong được đi chợ sắm tết cùng bố!

C.T.V

Các tin khác

Một bài, hai bài, ba bài... rồi nó cũng chẳng còn nhớ mình đã viết bao nhiêu bài báo nữa. Hôm nay được nghỉ học, nó tìm lại những bài báo mà trước đây đã được đăng, rồi đọc lại, kỹ càng và chăm chú.

Ôn bài 
cùng bạn.
(Ảnh:  Thu Trang)

Từng cơn gió lạnh như dao cắt cứa vào da thịt của ba con người sống trong ngôi nhà tranh nhỏ. Mẹ con bé ốm đã nửa tháng, thuốc thang mãi không khỏi.

YBĐT - Con đã hiểu thế nào là cuộc sống xa gia đình. Giữa biết bao người mới đầu không quen nhưng một thời gian sống và học tập bên nhau con thấy gần gũi đến lạ kỳ, tình yêu thương mọi người dành cho nhau thật đáng trân trọng.

Mùa xuân cùng bạn nghe khèn lá.

YBĐT - Mỗi mùa xuân về, thời gian lại khoác lên mình chiếc áo mới, tạm biệt năm cũ qua, chào đón năm mới tới với bao hy vọng và niềm vui. Trong tiết trời se lạnh ấy, khi mà mọi người đang nô nức chuẩn bị đón tết thì mẹ lại bắt đầu công việc, đưa gió xuân đến mọi nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục