Tự hào cô giáo vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 16/1/2013 | 3:07:02 PM
YBĐT - Giáo viên vùng cao như chúng tôi còn là thầy thuốc khi trong bản có người đau ốm, là người hòa giải khi trong gia đình nào đó có sự bất hòa, chúng tôi còn là nhà tâm lý, đôi lúc kiêm cả tuyên truyền viên dân số. Chúng tôi tự hào với tất cả những gì đã làm được trên mảnh đất này.
Trẻ vùng cao. (Ảnh: Hoàng Đô)
|
Mới sáng sớm, cô bạn học cùng lớp ngày trước lên chơi hôm qua đã thốt lên: “Lạnh quá! Đã cuối đông, sang xuân rồi mà vẫn còn lạnh thế này, không hiểu chính giữa mùa đông thì lạnh đến thế nào?”. Tôi cười: "Chưa thấm gì đâu, có lần mưa phùn, gió bấc kéo dài cả tháng trời ấy chứ! Quần áo giặt cả tuần không khô, mong mặt trời như mong mẹ về chợ!".
Tôi kéo cô bạn xuống bếp. Bếp củi quế cháy đượm than tí tách, tí tách nghe thật vui tai. Bên bếp lửa, chúng tôi kể cho nhau nghe biết bao là chuyện.
Nhớ ngày đầu lên nhận công tác vùng cao, cái gì cũng lạ lẫm, thiếu thốn. Nhớ nhất là khi biết có giáo viên mới lên nhận công tác, thầy hiệu trưởng cử một đoàn giáo viên và học sinh xuống đón ở đường quốc lộ làm tôi xúc động và nhớ mãi. Học sinh thì nhỏ mà leo dốc cứ thoăn thoắt, tôi đi theo các em còn thấy mệt nhoài.
Tôi kể cho cô bạn nghe về con người và cảnh vật vùng cao cứ hệt như một thước phim quay chậm làm cô bạn tôi cứ xuýt xoa: "Biết vậy, dạo đó tớ cũng tình nguyện lên đây với Xuân thì giờ đây cũng đã là dân Nậm Mười rồi nhỉ?".
Câu nói của cô bạn làm tôi thêm phấn chấn. Thế mới hay, vùng cao tuy còn muôn vàn khó khăn vậy mà còn là mơ ước của biết bao người. Nơi đây cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề nhưng tình cảm con người thì luôn đầy ắp. Có lẽ bởi vậy mà hơn chục năm trôi qua rồi tôi vẫn không thấy mình già đi. Tôi vẫn là cô giáo vùng cao như ngày đầu mới đặt chân lên mảnh đất này dù đến giờ tôi đã là cô giáo của hai thế hệ. Không hiểu sao mà tôi cứ yêu mãi nơi đây.
Nhớ mãi năm đầu tiên nhận công tác, tôi được phân công dạy lớp 1. Trong lớp, có một cậu bé người Dao tên là Chạn, cậu lớn nhất lớp nên tôi xếp ngồi cuối lớp. Mấy ngày đầu thấy Chạn không tập trung nghe giảng, hay lơ đễnh nhìn ra ngoài, tôi tìm hiểu, mới hay mắt Chạn kém, nhìn không thấy bảng nên chán học. Tôi liền chuyển cho em lên ngồi gần bàn giáo viên để dễ kèm cặp. Ngoài giờ học tôi còn bảo Chạn đến nhà rèn thêm cho Chạn đọc, viết. Chạn tiến bộ rất nhanh.
Bây giờ, Chạn đã trưởng thành, em đi làm ăn xa nhưng vẫn hay điện thoại về hỏi thăm tôi. Lần nào cũng bảo: "Nhờ có cô cho em biết chữ mà em mới được như ngày hôm nay". Tôi hiểu, em cứ nói quá lên để động viên tôi vậy thôi chứ với công việc của mình, tôi cũng chỉ làm tròn bổn phận của một nhà giáo. Nhưng cũng chỉ với lời khen tặng ấy, tôi lại thấy yêu nghề thêm biết bao nhiêu.
Năm nay tôi lại dạy lớp 1. Trong lớp có cậu con trai lớn của Chạn. Tôi thấy mình trẻ lại như ngày nào. Tôi cũng thấy mình vui hơn, chăm chút cho nghề hơn. Quả thật, nếu bây giờ cho tôi chọn lại nghề, tôi vẫn xin chọn là cô giáo vùng cao - chỉ bốn tiếng đơn giản vậy thôi mà sao tôi thấy thân thiết vô cùng. Tôi muốn học trò của mình - những đứa học trò vùng cao đã thiếu thốn nhiều sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan, tự tin hơn, sống có ích cho xã hội. Biết đâu đấy, trong số những học trò của tôi, sẽ có em trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... Các em sẽ là những chủ nhân tương lai đất nước.
Giáo viên vùng cao quả là có nhiều thiệt thòi, không thường xuyên được mặc áo dài lên lớp, không được đi những đôi giày cao gót hay phóng xe ga vù vù trên phố. Ngày tết của mình, cũng không có những bó hoa tươi thắm, không có cả lời chúc tụng, các giáo viên trong trường toàn phải tự động viên, chúc mừng lẫn nhau. Nhưng bù lại, chúng tôi có cả niềm yêu thương của bà con và học sinh. Giáo viên vùng cao như chúng tôi còn là thầy thuốc khi trong bản có người đau ốm, là người hòa giải khi trong gia đình nào đó có sự bất hòa, chúng tôi còn là nhà tâm lý, đôi lúc kiêm cả tuyên truyền viên dân số. Chúng tôi tự hào với tất cả những gì đã làm được trên mảnh đất này.
Tiếng học trò nô đùa ríu rít trên sân trường, ông mặt trời đã ló lên sau ngọn núi phía xa, sương cũng dần tan. Cô bạn tôi chợt nhớ ra: "Sao hôm nay thứ bảy mà học sinh cũng tới trường à?" Tôi bảo: “Ngày nghỉ không làm gì thì phụ đạo thêm cho học sinh. Vừa là học sinh đến trường cho vui, vừa là để các em có thêm kiến thức”. Tôi mong và tin rằng mảnh đất này ngày càng kết trái đơm hoa như mùa xuân đang về...
Lò Thị Én Xuân
Các tin khác
Dưới mái trường Lê Quý Đôn thân yêu, có một người đã cho em lời khuyên bổ ích, cho em quyết tâm để vượt qua chính bản thân và cho em cảm giác bình yên khi nghĩ về người đó - là cô: cô Liên!
Sáng sớm, thức dậy là thấy cả một vùng trời chìm trong làn sương mờ ảo. Chỉnh lại chiếc mũ len xộc xệch, áp cả hay tay vào cốc cafe sữa nóng hổi, tôi đợi cho những cơn gió đông lạnh buốt da thịt đó tạt qua hai bên má và cả tai. Một chút thử thách. Tê buốt.
Mùa xuân đến thật vui/ Cho em thơ diệu vợi/ Mặt trời tươi nắng mới/ Bừng sáng khắp nơi nơi
Một cái tết nữa lại về, chúng tôi lại háo hức trong những ngày cuối năm ở xóm trọ nhỏ, chuẩn bị cho kì nghỉ dài đón tết.