Tôi viết "Chuyện làng, chuyện bản"
- Cập nhật: Thứ tư, 10/6/2015 | 9:49:00 AM
YênBái - YBĐT - Với mục đích đổi mới nội dung tuyên truyền, nâng cao chất lượng ấn phẩm, trên chặng đường 20 năm qua, tờ báo Yên Bái vùng cao đã có nhiều đổi mới. Các ý tưởng đổi mới từ nội dung, hình thức tuyên truyền đều được anh em Phòng phóng viên Yên Bái vùng cao thảo luận kỹ và tham mưu với Ban biên tập. Ý tưởng đổi mới nội dung tuyên truyền dưới dạng các chuyên mục một cách chuyên sâu, định kỳ được hình thành. "Chuyện làng, chuyện bản" là một trong những chuyên mục của ấn phẩm và đã tạo được dấu ấn riêng.
Nhà báo Ngọc Tú - người gắn bó với chuyên mục "Chuyện ở bản mình" trên ấn phẩm báo Yên Bái Vùng Cao. (Ảnh: Đức Toàn)
|
Tiêu đề "Chuyện làng, chuyện bản" và giờ đây là "Chuyện ở bản mình", bản thân nó đã phản ánh những điều giản đơn, gần gũi, thực tế nhất với đồng bào vùng cao. Yêu cầu của chuyên mục là mỗi câu chuyện phải được kể với ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với đồng bào để dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm theo. Bởi vậy, những câu chuyện được kể ở chuyên mục dù là chuyện gì, ở đâu, độc giả đều cảm thấy đó là chuyện ở bản mình, địa phương mình.
Để rồi, những việc tốt sẽ được khích lệ nhân lên; việc chưa tốt cần được khắc phục hoặc kể cả những vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng, đấu tranh phòng chống ma túy, hôn nhân và gia đình...cũng được nêu lên để mọi người được biết. Bên cạnh đó, chuyên mục này còn có những mẩu chuyện tuyên truyền về các chính sách rất thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; những quy định mà Chính phủ mới ban hành.
Được giao phụ trách chuyên mục này, bản thân người viết đôi khi cũng cảm thấy băn khoăn phải làm sao để mỗi số báo, mỗi câu chuyện phải thật sự hấp dẫn, có tác động tích cực đến độc giả. Và những câu chuyện, những ý tưởng đã được góp nhặt từ những chuyến đi thực tế tới các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa đổi mới nên về sau này, mỗi câu chuyện không phải chỉ là kể về những gì mà mình nắm bắt được khi thâm nhập thực tế mà lãnh đạo phòng còn chủ xây dựng đề cương gắn chuyên mục với chủ đề tuyên truyền của từng số báo, gắn với các sự kiện ở từng thời điểm cụ thể để tăng hiệu quả tuyên truyền một cách chuyên sâu. Hoặc là, tên nhân vật trong câu chuyện cũng phải được cân nhắc, đó là câu chuyện về vùng đồng bào Mông hay Thái, Tày, Cao Lan… để câu chuyện phù hợp với tâm lý và những điều kiện thực tế khác ở mỗi dân tộc. Thêm một nét mới nữa là, trong 3 năm trở lại đây, sau khi đã tạo được dấu ấn riêng, được bạn đọc đánh giá cao, chuyên mục được đồng ý biên dịch song ngữ Việt - Mông.
Vậy nhưng, điều hạn chế nhất của chuyên mục này là việc có rất ít người viết. Việc chỉ có một người đảm trách chuyên mục, đôi khi cũng bị rơi vào thế "bí” chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu, mô típ nhân vật dễ bị lặp lại. Bởi vậy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của chuyên mục cần xây dựng được đội ngũ những cây viết phù hợp. Cũng có thể đặt bài trước theo chủ đề, sự kiện để chủ động về mặt thời gian xuất bản báo.
Những trăn trở, những đổi mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền ấn phẩm báo Yên Bái vùng cao vẫn luôn được đặt ra. Và niềm vui chính là khi nhận được những góp ý, những phản hồi của độc giả. Anh Giàng A Khua - cán bộ đoàn thể ở một địa phương thuộc huyện Mù Cang Chải tâm sự: Báo Yên Bái vùng cao ngày càng đẹp, càng hay nên đồng bào thích xem lắm. Mục "Chuyện ở bản mình" rất bổ ích, cán bộ thôn bản không chỉ đọc để biết và làm theo mà còn là tài liệu tuyên truyền phổ biến cho bà con nữa. Nhưng mà báo ít quá! Nhiều khi phải mượn bác bí thư chi bộ thôn để đọc. Cán bộ đoàn thể không có báo đâu! Những phản hồi như thế, chính là nguồn động viên, khích lệ những người làm Báo Yên Bái nói chung và ấn phẩm báo Yên Bái vùng cao nói riêng, thêm cố gắng để ấn phẩm này ngày càng hấp dẫn, thiết thực với độc giả.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, trong tổng số 18 nữ cán bộ, đảng viên, đã có không ít đồng chí trở thành những cán bộ chủ chốt trong cơ quan, tham gia vào công tác quản lý, điều hành công việc ở các phòng chuyên môn, góp phần cùng Đảng bộ bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ đoàn viên trẻ và quần chúng ưu tú vững vàng hơn trong công việc, nâng cao ý chí phấn đấu vào Đảng.
YBĐT - Tôi trở thành thành viên của “làng báo” bởi sự đam mê. Khi còn là cộng tác viên, trong một lần đi công tác cơ sở, tôi đã rất xúc động khi thấy mấy em người Dao đỏ ở xã Mỏ Vàng (Văn Yên) vừa chăn trâu, vừa tắm suối Thia. Khi máy bay Mỹ ào đến, các em vội lùa trâu xuống suối đằm để bảo vệ đàn trâu hợp tác xã. Máy bay địch đi xa, các em lên những tảng đá to vẽ lên đó hình máy bay Mỹ bốc cháy…
YBĐT - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Miền (bút danh Thanh Miền), sinh 1963 tại Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam. Anh đã từng là chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện đang là Phó phòng Hành chính -Trị sự Báo Yên Bái. Thanh Miền đã có gần 20 năm say mê, gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi tác phẩm mà anh “chớp” được trong ống kính, dường như đều “bắt kịp” hơi thở và nhịp đập cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao.