30.4 - niềm tự hào với người dân Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2005 | 12:00:00 AM
YBĐT - Trong những năm đánh Mỹ, cùng với toàn miền Bắc, ở tỉnh Yên Bái cũng sôi nổi phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Phụ lão ba giỏi"... ở vùng núi xa xôi, thanh niên Văn Chấn mở hội tòng quân cứu nước... Các huyện phía đông của tỉnh, ngoài các phong trào chung còn thành lập các tiểu đoàn mang tên Yên Ninh vào với đồng bào tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa, cùng tham gia chiến đấu.
Tiếp bước truyền thống cha anh nhiều thanh niên Yên Bái tiếp tục lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.
|
Đầu năm 1975, do yêu cầu của chiến trường, tỉnh Yên Bái lại huy động thêm nhiều con em mình, bổ sung cho bộ đội thường trực, chi viện cho chiến trường miền Nam, nhà nhà cử người nhập ngũ. Chỉ trong một đợt ngắn, 1869 thanh niên các dân tộc trong tỉnh đã lên đường, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Được hành quân vào Nam chiến đấu ngày đó là một vinh dự lớn. Những người con của Yên Bái ra đi đầy khí thế. Ông Nguyễn Hữu Giá ở khu 6 thị trấn Yên Bình kể lại: Ngày ấy ông là tiểu đoàn phó tiểu đoàn Yên Ninh I. Trong đoàn quân vào Nam chiến đấu đầy quyết tâm "đá mòn mà đôi dép không mòn" ấy, không phải nhà thơ nhưng những ý thơ cũng nẩy ra trong ông. Ông đã sáng tác thơ động viên chiến sỹ, bài thơ này có câu:
Quân đi vang động núi Thiên
Suối reo, vượn hót, trăng nghiêng đón chào...
Ông Mai Xuân Đậu, đường Điện Biên, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái vốn là sinh viên Trường đại học Bách khoa, học khoa xây dựng cầu đường bộ. Vào bộ đội, ông là thiếu tá Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 A. Thật vinh dự, trong trận mở màn đánh vào Buôn Ma Thuột ông được giao nhiệm vụ bí mật mở đường làm cầu cho bộ binh, mở bến phà tự hành, xe tăng vượt sông. Mặc sông có cá sấu, ông Mai Xuân Đậu đã cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Mọi công việc đều xong trong đêm, đúng giờ qui định, xe tăng, bộ đội ta đã ào lên xuất kích. Sau trận đánh Buôn Ma Thuột thắng lợi ông lại vinh dự tổ chức gỡ mìn, kiểm tra cầu đường, đưa Đại tướng Văn Tiến Dũng đi nghiên cứu trận địa địch, để có kế hoạch cho những trận đánh tiếp theo trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
ở tổ 13, thị trấn Yên Bình có anh Đoàn Đức Bình, trong Ban chấp hành Đảng ủy thị trấn. Nhìn dáng người bình dị ít ai biết anh đã có mặt trong đoàn quân chiến thắng tiến vào Sài Gòn trong dịp 30-4-1975. Ngày đó anh là chiến sỹ thuộc đại đội I, tiểu đoàn 88, trung đoàn 274, sư đoàn 367, bộ đội phòng không. Ngay ngày giải phóng thành phố Sài Gòn, đơn vị anh cùng đoàn xe kéo pháo tiến vào chiếm giữ sân bay Tân Sơn Nhất bảo vệ bầu trời. Tới nay, dù đã qua 30 năm, anh Đoàn Đức Bình vẫn nhớ như in không khí ngày lịch sử ấy, đó là những người dân ôm hoa, vẫy cờ chào đón. Những chị, những mẹ tung quà bánh lên xe, có em nhỏ lặc lè đẩy lên xe quả dưa hấu rõ to.
Vì độc lập tự do, vì thống nhất Tổ quốc thân yêu, một thời cả dân tộc ta đã dốc lòng, dốc sức, sẵn sàng hy sinh cả máu xương để có ngày 30.4 của đất nước.
(Tư liệu Báo Yên Bái)
Các tin khác
Cùng với báo chí cả nước, báo Yên Bái đã có bước phát triển nhanh chóng và đóng góp xứng đáng vào quá trình đấu tranh xây dựng trưởng thành của tỉnh Yên Bái và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ, có vị trí của ngõ của vùng Tây Bắc.