Cần có cơ chế đặc thù để Tây Bắc phát triển mạnh mẽ
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/3/2014 | 8:14:17 AM
Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tại cuộc làm việc giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ LĐTBXH về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vùng Tây Bắc.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn Cuộc họp được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 6/3 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, do quy mô của các cơ sở dạy nghề trong vùng tăng nhanh hằng năm, nên bước đầu đáp ứng được nhu cầu của lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, đội ngũ giáo viên dạy nghề có sự phát triển về số lượng, chất lượng. Năm qua, ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh trong vùng 251 tỉ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, chiếm 9,8% tổng kinh phí cả nước. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ các cơ sở dạy nghề.
Trong năm 2013, toàn vùng tuyển sinh được 119.735 học viên (chiếm 6,9% tổng tuyển sinh cả nước), đạt 96% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 39,3%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 27,1% (cả nước đạt 32%).
Trong công tác tạo việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, năm 2013 toàn vùng đã tạo việc làm cho 160.000 lao động, bằng 102% kế hoạch, chiếm hơn 10% tổng việc làm cả nước. Hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho 15.284 lao động; tỷ lệ thất nghiệp chung toàn vùng năm 2013 còn khoảng 2,09%.
Đặc biệt, công tác xuất khẩu lao động được chính quyền các địa phương và nhân dân trong vùng rất quan tâm. Đến cuối năm 2013, các tỉnh đã đưa được 10.526 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 của toàn vùng giảm còn 21,54% (tương đương với 454.471 hộ nghèo), giảm 3,04% so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo của 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm còn 37,5% (tương đương 200.695 hộ). Tuy nhiên, vẫn còn những huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% như Mù Cang Chải, Trạm Tấu (Yên Bái); Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An); Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ẳng (Điện Biên); Tủa Chùa (Lai Châu); Đồng Văn (Hà Giang).
Một trong những vấn đề xã hội đáng báo động tại khu vực này là tỷ lệ nghiện ma tuý và lây nhiễm HIV/AIDS đang gia tăng ngày càng cao.
Đến cuối năm 2013, toàn vùng có 48.033 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý (chiếm 26,5% cả nước). Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao gấp 2 lần so với toàn quốc (như Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng), với xu hướng gia tăng ở các huyện vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Bắc phát triển, từ dạy nghề, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, là mục tiêu hàng đầu để giúp nhân dân vùng Tây Bắc từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mà xuất khẩu lao động là một giải pháp cần được ưu tiên thúc đẩy trên nền tảng đã đạt được trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp chính quyền từng tỉnh phải coi nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu của địa phương. Các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng một đề án giảm nghèo cho vùng Tây Bắc một cách tập trung, cụ thể, tránh chồng chéo chính sách và nguồn lực hỗ trợ.
Nhân rộng mô hình tài chính vi mô đến từng hộ dân, tạo việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới đi từ tiềm lực, lợi thế của địa phương và thiết thực, khả thi, phù hợp với người dân nơi đó.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH tiếp tục chủ trì trong xây dựng thể chế cho người dân vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng đề án, chương trình thoát nghèo cho người dân cần bám sát đặc điểm, lợi thế của từng địa phương để có giải pháp hiệu quả.
Cần đẩy mạnh hơn việc dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động khu vực này cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chuyển đổi nhận thức đến thay đổi hành vi. Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ dạy nghề cần gắn với việc người học xong nghề phải có việc làm, tránh đào tạo nghề theo phong trào, đồng thời đưa doanh nghiệp về nông thôn để tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Về phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc tập trung xử lý các vấn đề xã hội bức xúc đang diễn ra hiện nay như nạn buôn bán người, bắt cóc, tệ nạn ma tuý, HIV/AIDS cũng như tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng cần đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa đến các bản, làng xa xôi cũng như các tầng lớp nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền để thay đổi nhận thức, thói quen, phổ biến và nhận rộng các mô hình tốt về các mặt kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng…
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ ngày 10-3 tới, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có những hành vi vi phạm như ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc… có thể sẽ bị xử phạt hành chính tới mức 100 triệu đồng.
YBĐT - Một trong những hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 3 năm qua là giải quyết việc làm đối với nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề cho phi nông nghiệp chưa có việc làm hiện chiếm tới 69%.
Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư 03/2014 hướng dẫn một số quy định về lao động (LĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Từ hôm nay (20/2), 14 công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và 11 công ty môi giới Đài Loan sẽ bị tạm dừng hoạt động cung ứng lao động sang Đài Loan trong thời gian từ 20-60 ngày tới do thu phí của người lao động sai quy định.