Hiệu quả đào tạo nghề cho phụ nữ

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/5/2014 | 4:34:26 PM

YBĐT -Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 -2015”, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai có hiệu quả nội dung của đề án. Đặc biệt các cấp hội luôn xác định dạy nghề cho chị em là cách để giúp đỡ gia đình hội viên thoát nghèo nghèo hiệu quả và thiết thực nhất.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trấn Yên còn tích cực triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, trong đó chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Bà Bồ Thị Hoa- Chủ tịch Hội LHPN huyện Trấn Yên cho biết, những năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm được các cấp Hội trong huyện triển khai có hiệu quả. Đặc biệt các cấp hội luôn xác định, dạy nghề cho chị em là cách để giúp đỡ gia đình hội viên thoát nghèo nghèo hiệu quả và thiết thực nhất.  

Theo đó, thực hiện Đề án 295 về hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ giai đoạn 2010-2015, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp tổ chức 3 lớp đào tạo nghề trong đó có 1 lớp chăn nuôi thú y tại xã Việt Cường và 2 lớp sản xuất rau an toàn ở Báo Đáp và Minh Tiến.

Cùng với đó, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp mở được 21 lớp đào tạo nghề cho trên 600 học viên, trong đó 486 người là phụ nữ với các nghề chủ yếu là xây dựng, sửa chữa điện dân dụng, quản lý và phát triển trang trại, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y về sản xuất chế biến nông sản, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng nấm… Người học nghề có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất như ruộng, vườn, vật nuôi, cây trồng... tại gia đình nên có nhiều thuận lợi, nhất là về địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học.

Nhờ đó, sau khi được đào tạo nghề đa số các học viên đã biết áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều cơ sở hội đã nắm rõ tình hình, đặc điểm, điều kiện kinh tế của từng địa phương để tổ chức các mô hình đào tạo nghề cho hội viên, tiêu biểu như hội phụ nữ xã Báo Đáp, Tân Đồng, Minh Tiến, Việt Cường… 

Riêng xã Báo Đáp trong 3 năm từ 2011-2013, Hội đã phối hợp mở được 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 150 lượt hội viên tham gia, trong đó có 4 lớp đào tạo về trồng trọt chế biến lâm sản, 1 lớp sản xuất rau an toàn. Trong năm 2014 này, hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục phối hợp để tổ chức 1 lớp đào tạo nghề về chăn nuôi thú y theo nhu cầu của hội viên.

Mô hình trồng rau của chị Trần Thị Duyên tại thôn 13 xã Báo Đáp là một điển hình tiêu biểu. Năm 2013, chị cùng với 30 chị em phụ nữ của 3 thôn Đồng Sâm, Đình Xây, Đồng Ghềnh được tham gia lớp dạy nghề trồng rau an toàn  do Trung tâm Dạy nghề Hội Phụ nữ tỉnh mở. Sau đào tạo với kiến thức đã được học, chị mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích trồng rau của gia đình. Với hơn 1 sào đất bãi ven sông, mùa nào thức đấy, chị thâm canh đa dạng tất cả các loại rau như su su, mướp, dưa chuột, bắp cải, xu hào, cải xanh... Đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ các vụ rau trồng quanh năm, với thu nhập khoảng 20 triệu đồng, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa và cách trồng rau như trước kia.

Chị Trần Thị Tuyền - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 13 xã Báo Đáp cũng tham gia mô hình trồng rau an toàn, chị chia sẻ: Mô hình trồng rau theo quy trình kỹ thuật do Hội Phụ nữ tỉnh tập huấn được chị em trong thôn áp dụng khá hiệu quả. Trong quá trình sinh trưởng duy nhất chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật lúc gieo hạt để phòng trừ kiến. Theo chị, trồng rau không cần nhiều vốn và đất, điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn nước tưới và vệ sinh, cải tạo đất trồng thường xuyên. Mùa nắng cũng như mùa mưa, người trồng rau phải thường xuyên giữ cho lượng nước trung bình không bị thiếu mà cũng không bị ứ nước.

Có thể thấy, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên phụ nữ cùng việc xây dựng các mô hình sau đào tạo đã giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả và trở thành hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ.

Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục chủ động mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần ổn định kinh tế để chị em có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hải Hà

Các tin khác
Thí sinh tham dự phỏng vấn vào làm việc tại Samsung Việt Nam.

Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cho biết họ sẽ tổ chức phỏng vấn hơn 2.600 ứng viên nhằm tìm ra hơn 1.200 nhân viên làm việc tại Trung tâm và các Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.

Lớp học điện công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 về phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020."

Học viện Nông nghiệp Việt Nam khai mạc ngày hội việc làm 2014

53 nhà tuyển dụng đã ký hợp đồng làm việc với hơn 2.000 lao động là những sinh viên đã và sắp tốt nghiệp.

Ngày 19/5, Hội thi tay nghề quốc gia (đơn vị số 2) năm nay đã diễn ra tại thành phố Huế với sự tham gia của 41 thí sinh được tuyển chọn từ các hội thi của 16 đơn vị trong cả nước (15 tỉnh/thành phố và một đơn vị Bộ Công Thương).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục