Đào tạo nghề gắn với việc làm
- Cập nhật: Thứ tư, 27/8/2014 | 8:59:58 AM
YBĐT - Những năm gần đây, công tác dạy nghề ở Yên Bái đã từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo nhiều trình độ, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, đạt mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.
Nghề may đang thu hút nhiều lao động tham gia.
|
Về thực hiện đào tạo nghề trong những tháng đầu năm 2014, ông Nguyễn Khắc Chung - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Thời gian qua, nhiều cơ sở dạy nghề đã được nâng cấp, góp phần nâng cao năng lực đào tạo, cung cấp nguồn lực cho tỉnh. Đến nay, Yên Bái có 24 cơ sở dạy nghề, trong đó: 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 3 trung tâm dạy nghề, 7 trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên và 9 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề. Cùng với đó, việc phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được đặc biệt quan tâm. Hiện, toàn tỉnh có 516 giáo viên (397 giáo viên cơ hữu, 119 giáo viên hợp đồng). Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 5.147 người. Trong đó: trình độ cao đẳng nghề 133 người, trung cấp nghề 355 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 4.659 người (đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 cho 3.316 người, đào tạo cho lao động khác 1.343 người)".
Những ngành nghề hiện đang thu hút nhiều người tham gia là: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, điện tử, điện lạnh, tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, cơ khí -chế tạo máy... Bên cạnh những ngành nghề trên, nghề sửa chữa máy nông cụ, trồng rau, du lịch cộng đồng, thêu dệt thổ cẩm, chăn nuôi - thú y, mây - tre - song đan… cũng thu hút lao động nông thôn.
Mặt khác, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đào tạo nghề nói chung và thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" nói riêng. Đến nay, hầu hết các mô hình thí điểm của Đề án đều phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho người học có cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập, ổn định đời sống, như: mô hình kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi lợn, trồng hoa, chế biến gỗ rừng trồng…
Đặc biệt năm 2014, đã có các mô hình thí điểm có khả năng tạo việc làm tại chỗ cao, tăng thu nhập cũng như cung cấp lao động đi làm việc tại địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động với các nghề: nghiệp vụ du lịch homestay (du lịch cộng đồng), chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc gia đình…
Để phục vụ tốt công tác đào tạo nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đang được nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, giúp các cơ sở phát huy, nâng cao chất lượng đào tạo. Qua đó, tỷ lệ học sinh ra trường từ các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều tìm kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.
7 tháng năm 2014, có 553/619 người có việc làm, đạt 89,33%... Song song với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh dạy nghề đáp ứng theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động, chỉ đạo các trường thành lập bộ phận, trung tâm giới thiệu việc làm và quan hệ với doanh nghiệp. Thông qua đó, tạo cầu nối, tổ chức ký kết hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đào tạo nghề là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đồng thời đây còn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT – Trung tâm Thương mại và Hợp tác Quốc tế - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) vừa phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm - Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.
YBĐT - Lâm sản ngoài gỗ (mây nếp) là loài cây đã được gây trồng từ lâu đời và quen thuộc với người dân Việt Nam. Cùng với sự phát triển nhanh của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ mây đã và đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhiều địa phương đã tận dụng đất đai để đưa cây mây nếp vào trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020.
Học nghề đang có nhiều cơ chế ưu đãi, thu hút học viên như miễn giảm học phí, tạo cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, năm 2015 tới, học viên có chứng chỉ nghề sẽ có nhiều lựa chọn việc làm ở các nước ASEAN với mức lương hàng nghìn USD.