Để học nghề sống được bằng nghề!
- Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2014 | 9:13:02 AM
YBĐT - Theo kế hoạch, hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ đào tạo nghề cho từ 400 - 500 lao động, đạt 80% số lao động được khảo sát theo nhu cầu thực tế. Trong đó, có 65% ngành nghề nông nghiệp, 35% ngành nghề phi nông nghiệp.
Các học viên Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ trong giờ thực hành lớp chăn nuôi thú y.
|
Sau hơn 2 tuần học lý thuyết, mấy hôm nay, hơn 30 học viên lớp tập huấn rau sạch 1, khóa 10, đến tổ dân phố 1, tổ dân phố 2, phường Cầu Thia thực hành ủ phân hoai mục bằng vi sinh, phục vụ cho việc trồng rau sạch. Với 280 tiết học, trong thời gian 1,5 tháng, có 2/3 thời gian thực hành tại cơ sở, cách học này đã giúp học viên nắm kiến thức sâu và chắc hơn. Năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu đào tạo nghề cho 600 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 49%.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sau gần 2 tháng tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956), anh Hóa Lò Văn Hóa ở bản Pá Làng, xã Nghĩa Phúc đã áp dụng ngay vào chăn nuôi. Với 1 con lợn nái ban đầu, sau khi sinh sản được 2 lứa, gia đình anh Hóa đã có gần 2 chục con. Ngoài ra, gia đình anh còn tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu. Khi được hỏi về hiệu quả chương trình học nghề ngắn hạn, anh Hóa không ngần ngại trả lời: “Cái được nhất từ chương trình đào tạo nghề cho các hộ nông nghiệp là sự thay đổi từ tư duy chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi, sản xuất hàng hóa”.
Cùng với gia đình anh Hóa, xã Nghĩa Phúc có 22 học viên tham gia lớp chăn nuôi thú y nằm trong Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi lợn nái cho hộ nghèo năm 2012. Hiện nay, các mô hình này đều phát huy hiệu quả.
Ông Đặng Ngọc Anh - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: “Hàng năm, xã phối hợp với Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của thị xã rà soát, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho LĐNT địa phương. Mỗi năm bình quân mở được 2 lớp với trên 50 học viên. Năm 2011, lớp chăn nuôi thủy sản với 30 học viên, sau đào tạo, xã đã khuyến khích các hộ khai hoang, chuyển diện tích ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và có một phần cơ chế hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Nhờ vậy, toàn xã có 25 hộ khai hoang được trên 3ha diện tích mặt nước, nuôi trồng thủy sản”.
Những ngành nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, gò hàn, xây dựng... sau khi được đào tạo, các lao động đều được giới thiệu vào làm tại các cửa hàng trên địa bàn thị xã, có thu nhập ổn định. Anh Đỗ Kỳ Hay tham gia lớp gò hàn năm 2011, sau khi đào tạo, anh vào làm tại Doanh nghiệp tư nhân kim khí Hoài Oanh ở tổ 5, phường Trung Tâm. Công việc ổn định, mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Anh Hay cho biết: “Khi mình được đào tạo cơ bản, vào làm việc tại cửa hàng, không mất thời gian dài học việc nữa. Trong khi đó, kinh phí đào tạo của các doanh nghiệp thường lớn gấp nhiều lần so với đào tạo nghề cho LĐNT”.
Các thiếu nữ Thái học nghề dệt thổ cẩm.
Theo kế hoạch, hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ đào tạo nghề cho từ 400 - 500 lao động, đạt 80% số lao động được khảo sát theo nhu cầu thực tế. Trong đó, có 65% ngành nghề nông nghiệp, 35% ngành nghề phi nông nghiệp. Bà Vì Thị Sâm - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã cho biết: “Thị xã Nghĩa Lộ đã kết hợp nhiều chương trình, dự án tạo việc làm cho LĐNT sau đào tạo như: kết hợp với các mô hình giảm nghèo bền vững, mô hình chăn nuôi hàng hóa, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất....
Các cơ sở dạy nghề trước khi đào tạo đã phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tìm hiểu nhu cầu thực tế. Các cơ sở dạy nghề của thị xã còn liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh, đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên và những ngành nghề đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thị xã. Tuy nhiên vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục rà soát lại các ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế địa phương đưa vào đào tạo. Chỉ đạo các đơn vị đào tạo nghề, xã, phường liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, dạy nghề và sử dụng lao động phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cần tăng các nguồn vốn ưu đãi, mở rộng đối tượng vay vốn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề phù hợp”.
Đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động
Sau hơn 2 tuần học lý thuyết, mấy hôm nay, hơn 30 học viên lớp tập huấn rau sạch 1, khóa 10, đến tổ dân phố 1, tổ dân phố 2, phường Cầu Thia thực hành ủ phân hoai mục bằng vi sinh, phục vụ cho việc trồng rau sạch. Với 280 tiết học, trong thời gian 1,5 tháng, có 2/3 thời gian thực hành tại cơ sở, cách học này đã giúp học viên nắm kiến thức sâu và chắc hơn.
Bà Lò Thị Loan - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: “Năm 2010, xã bắt tay vào thực hiện Đề án 1956. Sau 3 năm thực hiện, xã đã mở được 12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn với 375 lượt học viên tham gia. Hầu hết các đối tượng sau khi học đều áp dụng tốt kiến thức vào sản xuất nông lâm nghiệp”. Anh Hoàng Công Đường ở bản Xa cho biết: "Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt và chế biến nông sản, tôi đã đầu tư trồng nấm. Kết quả rất khả quan, vụ đầu tiên cho thu nhập 16 triệu đồng. Mỗi năm, 2 vụ cho thu khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, tôi sẽ làm thêm 2 vụ nữa, nếu thời tiết ủng hộ sẽ đem lại năng suất cao”.
6 tháng đầu năm 2014, thị xã đã liên kết với các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động đã hỗ trợ tạo việc làm cho 564 lao động (bằng 56,4% Nghị quyết HĐND thị xã khóa 13 đề ra), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt 46,5%. Trong đó, liên kết với Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn mở 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn từ 1,5 - 3 tháng cho trên 160 LĐNT của 7/7 xã, phường thuộc diện hưởng theo Đề án 1956. Các lớp đào tạo nghề tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất rau an toàn, nuôi cá nước ngọt, thêu dệt thổ cẩm, trồng hoa cây cảnh... Có thể khẳng định, đào tạo nghề cho LĐNT là biện pháp xoá nghèo bền vững nhất.
Kinh nghiệm và giải pháp
Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho thị xã Nghĩa Lộ triển khai tốt Đề án 1956 là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị theo đúng lộ trình và phù hợp với từng giai đoạn. Cấp ủy các cấp đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, từ đó, giúp chính quyền các cấp chủ động xây dựng đề án đào tạo nghề theo đúng định hướng. Bên cạnh đó, việc huy động đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư chuyên ngành, thợ có tay nghề cao tham gia công tác đào tạo nghề, quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hóa đào tạo nghề trên địa bàn.
Ngoài ra, trong danh mục 23 nghề cần đào tạo, trong đó, 9 nghề thuộc nhóm nông nghiệp và 14 nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp, đảm bảo các yêu cầu về chương trình, tài liệu giảng dạy giúp LĐNT có nhiều cơ hội chọn nghề và học nghề phù hợp với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, do trình độ không đồng đều, địa bàn rộng nên việc triển khai Đề án 1956 vẫn còn nhiều hạn chế.
Chương trình đào tạo nghề của một số đơn vị mang nặng tính lý thuyết, thời gian “cầm tay, chỉ việc” cho người lao động ít, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chưa đạt chuẩn về chất lượng. Trình độ nhận thức, lứa tuổi của học viên không đồng đều, học viên chưa thực sự cầu tiến trong học nghề đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.
Đặc biệt, hiệu quả sau đào tạo nghề ở địa phương này vẫn còn rất thấp, không ít người học nghề không sống được với nghề mới học, phải trở lại nghề cũ nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Nguyên nhân xuất phát từ công tác điều tra, đánh giá thực trạng, tình hình LĐNT; chưa xây dựng được quy hoạch, nhu cầu sử dụng lao động; chưa định hướng được nghề cần phát triển tại địa phương nên công tác đào tạo nghề chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người cùng học một nghề, trong khi nhu cầu thấp, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Đề án 1956 còn kéo dài đến năm 2020, vì vậy, thị xã Nghĩa Lộ phải xác định lại cơ cấu ngành, nghề đào tạo; có chính sách hỗ trợ cụ thể cho người học nghề, các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động qua đào tạo nghề về vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị để học viên có điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương và bằng chính nghề đã học. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người trong độ tuổi lao động tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và dài hạn, đồng thời, tư vấn cho người lao động những ngành nghề phù hợp và các chính sách cụ thể đối với từng đối tượng học nghề. Có như vậy mới tận dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, việc dạy nghề đạt được hiệu quả xã hội và giúp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Văn Tuấn – Nguyễn Thanh
Các tin khác
Ngày 6/10, vừa trở về từ Hàn Quốc, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phía bạn rất thiện chí về hợp tác trong lĩnh vực lao động nên hy vọng có thể sẽ được khai thông thị trường lao động vào tháng 12 tới với hơn 10.000 lao động mỗi năm.
Đa số các thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi tay nghề ASEAN đều trở thành giảng viên trong cơ sở dạy nghề hoặc làm việc ở nước ngoài tại các doanh nghiệp với vị trí đặc biệt, có thu nhập cao.
Theo thống kê mới nhất, lực lượng lao động cả nước ước tính đến thời điểm 01-10-2014 là 54,4 triệu người, tăng 583,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó lao động nam chiếm 51,6%, lao động nữ chiếm 48,4%.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Mù Cang Chải đã giải quyết được việc làm mới cho trên 600 lao động, đạt 93,2 % kế hoạch.