Trường THPT Cảm Ân hướng tới “trường học hạnh phúc”

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2020 | 7:50:47 AM

YênBái - Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cha mẹ và học sinh được trực tiếp đối thoại, nói lên tâm tư, nguyện vọng với Hiệu trưởng. Hiệu trưởng trực tiếp giao ban với lớp trưởng, bí thư đoàn của các lớp vào thứ Hai hàng tuần.

Cô Lưu Khánh linh -Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân cùng các học trò tham gia góc không gian mở trong giờ ôn tập Văn học dân gian.
Cô Lưu Khánh linh -Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân cùng các học trò tham gia góc không gian mở trong giờ ôn tập Văn học dân gian.

Năm học này, Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng sách giáo khoa điện tử và sử dụng tương đối thành thạo bảng thông minh, đem lại một hiệu ứng mới, không khí học tập phấn khởi, lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực trong giáo viên, sự háo hức học tập cho các em học sinh.

Tiêu biểu như: việc thiết kế giờ dạy tự chọn hình học "Mặt tròn xoay" qua trò chơi "Đường lên đỉnh Olympia" cuốn hút từ phút mở đầu đến khi khép lại ở phút 45 trong bài giảng của cô giáo Hoàng Thị Ngọc Yến; bài "Luyện tập polime và vật liệu polime" được tiến hành qua các chặng khởi động với bài thuyết trình powerpoint của học sinh và sự "chạy đua" của các em qua phiên bản "Ai là triệu phú" trong giờ Hóa học của cô giáo Lâm Thị Thủy.

Hay đến với giờ học "Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945” của thầy Lê Văn Cường - người 2 lần đạt Kỷ lục Việt Nam về viết thơ lục bát lịch sử, các em được hòa mình vào không khí hào hùng của dân tộc thông qua hệ thống video, hình ảnh. 

Trong giờ ôn tập Văn học dân gian của cô giáo Lê Thị Mỹ Bình, với tư duy sáng tạo của cô và trò, các em được hướng dẫn tái hiện môi trường sinh tồn của văn học dân gian nơi gốc đa, bến nước, sân đình qua không gian diễn xướng sinh động…  Sự tích cực ấy đã thực sự khiến "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui!”.

Với chủ trương xây dựng và phát triển nhà trường theo mô hình "Trường học hạnh phúc”, cô giáo Lưu Khánh Linh - Hiệu trưởng nhà trường đã không ngừng sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cha mẹ và học sinh được trực tiếp đối thoại, nói lên tâm tư, nguyện vọng với Hiệu trưởng; qua đó, góp phần kết nối môi trường sư phạm trở nên thân thiện, cởi mở, gần gũi. Tại Trường THPT Cảm Ân, Hiệu trưởng trực tiếp giao ban với lớp trưởng, bí thư đoàn của các lớp vào thứ Hai hàng tuần.

Theo đó, cán bộ lớp được bày tỏ suy nghĩ, đề xuất mong muốn, báo cáo những băn khoăn và cả những điều chưa hài lòng trong học tập, rèn luyện thường ngày. 

Cô giáo Lưu Khánh Linh khẳng định: "Những buổi giao ban này giúp nhà trường đo được chỉ số về sự hài lòng của học sinh với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Từ đó, nhà trường sẽ đưa ra những điều chỉnh hợp lý, kịp thời trong mọi hoạt động”. 

Xuyên suốt quan điểm trên, trung tuần tháng 10, Trường THPT Cảm Ân vinh dự khi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức thành công Hội thảo "Trường học hạnh phúc và dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp STEM” dành cho phụ huynh, giáo viên, học sinh. Hội thảo đã đem lại sự hào hứng cho người học, sự hài lòng của phụ huynh và gia tăng thêm trong tâm thức mỗi thầy cô về sự nỗ lực đổi mới trong dạy học. 

Thông qua phần truyền đạt của giảng viên, thầy và trò nhà trường càng hiểu thêm tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc; sự cần thiết trong dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp. Sự tiên phong, sẵn sàng nhập cuộc của nhà trường với những mô hình, phong trào, việc làm, cách thức đổi mới giáo dục này, thực sự là đột phá ngoạn mục dựa trên ý chí, quyết tâm lớn của cả tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường.

Trong 3 tháng đầu năm học, nhà trường đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 6 hạng mục công trình. Toàn bộ hệ thống công trình này đều được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, sự tích cực kêu gọi tài trợ, ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp. Khu nhà công vụ được cải tạo để đảm bảo an ninh, tạo không gian xanh, thân thiện với môi trường. Bếp ăn tập thể được đầu tư, tạo thuận lợi cho cán bộ, giáo viên ở xa thuận tiện trong sinh hoạt, tăng cường hiệu quả công tác. Cùng với đó, Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường cũng luôn quan tâm chăm lo cho đời sống mọi mặt của đoàn viên công đoàn và tạo môi trường làm việc tốt nhất. 

Các hoạt động phong trào cũng được nhà trường hết sức quan tâm. Đầu tháng 11/2020, "Câu lạc bộ Phát thanh và Truyền thông” cùng "Câu lạc bộ Văn học” nhà trường đã được ra mắt và đi vào hoạt động. Sự ra đời của các câu lạc bộ góp phần giúp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh có cơ hội phát hiện, khám phá chính bản thân và thể hiện năng lực, tố chất của mình; đồng thời, thường xuyên tổ chức giao lưu bóng chuyền hơi giữa các tổ chuyên môn, học sinh và thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo thầy, cô giáo và học sinh toàn trường. 

Lê Văn Cường (Trường THPT Cảm Ân)

Tags Trường THPT Cảm Ân Yên Bình trường học hạnh phúc sách giáo khoa điện tử Lê Văn Cường

Các tin khác
Phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải

Ngày 7/12, Sở Giáo dục- Đào tạo khai mạc Hội thi Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 – 2021 với sự tham gia của 191 giáo viên, gồm 91 giáo viên cấp tiểu học và 100 giáo viên cấp THCS.

NXB Giáo dục cho biết, đang rà soát lại SGK tiếng Việt lớp 1.

Trước phản ánh của phụ huynh học sinh và chuyên gia về một số bất ổn trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, đơn vị này cho biết, đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ.

Công ty Du lịch Đức Minh (Sa Pa - Lào Cai) tham gia Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Tháng 2/2020, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Yên Bái đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực giữa nhà trường với 17 doanh nghiệp và một số trung tâm trong và ngoài tỉnh.

Việc giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc trên trang phục giúp các em học sinh hứng thú, học tập hiệu quả hơn.

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn luôn quan tâm triển khai các giải pháp dạy kiến thức với kỹ năng sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục