Trường học du lịch ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2020 | 7:36:43 AM

YênBái - Ngay khi bước vào cổng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) TH&THCS La Pán Tẩn chúng tôi bị thu hút bởi mô hình thu nhỏ của “Đồi mâm xôi” - địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất của Mù Cang Chải, được chính các thầy cô giáo nhà trường làm nên.

Mô hình “Đồi mâm xôi” ngay trong khuôn viên Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn.
Mô hình “Đồi mâm xôi” ngay trong khuôn viên Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn.

Những năm gần đây, du lịch ở Mù Cang Chải phát triển mạnh mẽ và được huyện lựa chọn là ngành kinh tế mũi nhọn, là "bàn đạp” để huyện thoát nghèo. Với phát triển du lịch thì việc xây dựng lực lượng lao động có chất lượng được coi là giải pháp mang tính chiến lược và đây là lĩnh vực có nhu cầu lớn về lao động, chính quyền địa phương đã có những giải pháp kịp thời bồi dưỡng cho lực lượng lao động tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, người dân làm homestay... và đặc biệt, là bồi dưỡng nhận thức và những kỹ năng cơ bản cho học sinh - lực lượng lao động tương lai. Mô hình trường học gắn với du lịch ở Mù Cang Chải ra đời trong xu thế phát triển tất yếu của địa phương, mang lại hiệu quả lớn trong phát triển du lịch của địa phương.

Ngay khi bước vào cổng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) TH&THCS La Pán Tẩn chúng tôi bị thu hút bởi mô hình thu nhỏ của "Đồi mâm xôi” - địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất của Mù Cang Chải, được chính các thầy cô giáo nhà trường làm nên. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi muốn thông qua đây để giáo dục rằng nơi các em đang sống rất tươi đẹp, là địa danh du lịch nổi tiếng, các em thêm yêu và cùng nhau gìn giữ môi trường sống, bảo vệ "Đồi mâm xôi” - một địa danh trong quần thể di tích đặc biệt cấp quốc gia tại quê hương”. 

Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn là một trong ba trường được ngành giáo dục - đào tạo (GD - ĐT) huyện thực hiện theo mô hình trường học gắn với du lịch ở Mù Cang Chải. Tại đây, học sinh được trực tiếp tham gia các hoạt động phát triển du lịch thực tế ở địa phương như mô hình hướng dẫn viên, câu lạc bộ (CLB) thổ cẩm, CLB trò chơi dân tộc, CLB văn nghệ dân gian… 

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm: "Chúng tôi lồng ghép, tích hợp du lịch, lịch sử địa phương vào các môn học, các hoạt động giáo dục của nhà trường. Tổ chức các CLB khâu thêu, biểu diễn thời trang, múa khèn, múa ô, múa gậy sinh tiền, múa khèn Mông... Những nội dung này, nhà trường đã triển khai từ những năm học trước nhưng còn hạn chế về quy mô, từ năm học 2020 - 2021, được lựa chọn là một trong 3 trường xây dựng mô hình trường học du lịch thì các CLB hoạt động bài bản hơn, quy mô hơn cả về số lượng và chất lượng”. 

Được biết, ngay từ đầu năm, nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đặc biệt, theo bộ tiêu chí trường học du lịch do huyện ban hành, nhà trường đã lựa chọn những học sinh có năng khiếu (khoảng 20% tổng số học sinh) tổ chức cho các em tập làm hướng dẫn viên du lịch, các em có thể thuyết trình một số nội dung du lịch địa phương, quảng bá danh thắng quốc gia, làng nghề truyền thống dệt, rèn đúc... Thế mạnh của nhà trường là có 15/56 giáo viên là người bản địa, đây là lực lượng giúp nhà trường tổ chức các CLB gìn giữ văn hóa dân tộc bản địa, xây dựng trường học du lịch. 

Thầy Lý A Thàng - người trực tiếp hướng dẫn CLB múa dân gian của nhà trường chia sẻ: "Tôi truyền lại kinh nghiệm của tiền bối mà tôi đã nhận được để dạy cho học sinh. Hy vọng các con có thể gìn giữ và tiếp tục lưu truyền thế hệ sau. Chúng tôi rất vui vì không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho các em những kiến thức, bản sắc văn hóa địa phương. Các em học sinh rất thích và tích cực tham gia”. Cùng với đó, nhà trường nhờ lực lượng thanh niên, văn hóa xã, phụ huynh học sinh có năng khiếu giúp đỡ hỗ trợ nhà trường trong việc gìn giữ văn hóa địa phương. 

Em Thào Thị Sông - lớp 8B chia sẻ: "Cháu rất vui khi được học thêu. Ở nhà được mẹ hướng dẫn, đến trường cô giáo dạy thêu. Giờ cháu đã thêu được 3 kiểu hoa văn, làm được áo cho mình. Cô giáo khen cháu thêu đẹp nên cháu sẽ thử làm một số sản phẩm để bán như: áo, túi xách, những quả pao may mắn...”. Tâm sự hồn nhiên của trò nhỏ khiến chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.

Năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT huyện chính thức lựa chọn 3 trường thực hiện Mô hình "Trường học du lịch” đó là Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn, Trường PTDTNT THCS Mù Cang Chải, Trường PTDTBT TH&THCS Cao Phạ. Đồng thời, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá "Trường học du lịch” trong cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện gồm 15 tiêu chí ứng với các tiêu chuẩn về trường học, du lịch, công tác tham mưu với chính quyền địa phương, công tác xã hội hóa giáo dục, hoạt động tuyên truyền quảng bá của nhà trường. Sau khi triển khai thí điểm tại 3 đơn vị trường học sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Thanh Ba

Các tin khác
Các phòng GD-ĐT nhận giải toàn đoàn.

Ngày 17/12, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD- ĐT) Yên Bái tổng kết Hội thi giáo viên mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021.

Năm 2021 thí sinh sẽ tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT

Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với sự đóng góp của Hội, tỷ lệ huy động học sinh phổ thông ra lớp của huyện Mù Cang Chải đạt trên 98%.

Dù hoạt động trong điều kiện khó khăn của huyện vùng cao với trên 80% đồng bào Mông sinh sống, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội, sự ủng hộ của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, phong trào khuyến học, khuyến tài (KH-KT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) tại huyện vùng cao Mù Cang Chải thời gian qua đã thu được nhiều kết quả.

Đội tuyển Việt Nam tham dự IdPhO 2020.

Cả 5 học sinh Việt Nam tham dự kì thi Olympic Vật lý quốc tế 2020 đều đạt huy chương, trong đó có 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục