Năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Khấu Ly, xã Bản Mù có 855 học sinh, trong đó có 682 học sinh bán trú, 100% các em là con em đồng bào dân tộc Mông. Ngoài việc thực hiện tốt công tác dạy và học, nhà trường còn thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh.
Với lợi thế, đa phần học sinh ở bán trú, sau khi thực hiện Đề án "Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020” Trường PTDTBT TH&THCS Khấu Ly khá thuận lợi trong việc sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm kỹ năng sống trong quá trình học tập; gắn việc rèn luyện kỹ năng sống với những nội dung cụ thể của phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống trong các môn học và các hoạt động giáo dục… Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp, từ đầu năm học mới đến nay, tỷ lệ học sinh chuyên cần của nhà trường luôn đạt trên 96%.
Cô giáo Nguyễn Thanh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Song Song với công tác giảng dạy, công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là đối với học sinh khối lớp 1. Do đó, nhà trường đã thành lập Ban bán trú, phân công giáo viên hướng dẫn, chăm sóc các em học sinh như chính con em mình; hướng dẫn các em những kỹ năng nhỏ nhất như: giao tiếp, sinh hoạt tập thể, phòng tránh thương tích… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Để nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của năm học trong tình hình mới, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn theo quy định, ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, Trường PTDTBT TH&THCS xã Bản Công đã cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng do Phòng GD&ĐT tổ chức; tu sửa nâng cấp một số trang thiết bị dạy và học; chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình nghiên cứu bài giảng, cũng như trong chương trình giảng dạy..., đã góp phần nâng cao chất lượng các giờ học của nhà trường.
Thầy giáo Lê Văn Hán - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS xã Bản Công cho biết: "Do đặc thù là trường vùng cao, khả năng tiếp nhận bài giảng của một số học sinh còn hạn chế, điều kiện cơ sở thiếu thốn, song với tình yêu nghề, tinh thần vượt khó, các thầy cô đều tâm niệm phải thực sự cố gắng, trau dồi kiến thức để có những bài giảng phù hợp với khả năng của các em học sinh vùng cao”.
Năm học 2020 - 2021, huyện Trạm Tấu có 28 đơn vị trường học, hơn 11.000 học sinh. Là năm đầu tiên triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và chương trình giáo dục phổ thông mới, ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nhà trường thực hiện và triển khai sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua do ngành phát động, đặc biệt là các Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, "Hai không”, "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và các phong trào thi đua như: "Dạy tốt - học tốt”, "Trường học hạnh phúc”.
Đồng thời, tăng cường đổi mới công tác quản lý, triển khai thiết thực, hiệu quả chương trình "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của ngành giáo dục; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong trường học; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác xã hội hóa giáo dục; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn ngành, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh cùng với những giải pháp cụ thể, thiết thực, tin tưởng năm học 2020 - 2021, chất lượng GD&ĐT của huyện vùng cao Trạm Tấu sẽ tiếp tục được nâng cao.
Trần Ngọc