Trước khi bước vào năm học 2022-2023, nhiều địa phương lên tiếng về tình trạng thiếu giáo viên, một số môn học không có giáo viên để tuyển dụng khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Thực ra, các trường học hiện nay đang xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Môn học này có thể thiếu, môn học khác lại đang dư thừa vì số tiết của các môn học hiện nay đang rất khác nhau.
Vì thế, nếu so với định mức biên chế theo hướng dẫn hiện hành có thể trường đã đủ giáo viên, thậm chí thừa giáo viên nhưng có những môn học lại đang thiếu. Trong khi, theo quy định thì không thể tuyển thêm giáo viên mới hoặc phải chuyển những giáo viên môn thừa đi trường khác mới có thể tuyển giáo viên môn thiếu.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương?
Nếu đi tìm nguyên nhân thiếu giáo viên cục bộ thì có rất nhiều, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học và một số môn học mới ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, các trường công lập, các địa phương rất khó tuyển mới vì họ chưa thể tự chủ nhân sự được. Vì thế, chúng tôi cho rằng việc thiếu giáo viên hiện nay bắt đầu từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Việc tuyển dụng viên chức cho ngành giáo dục hiện nay đang được thực hiện theo việc giao số lượng biên chế của cấp trên. Vì thế, dù thiếu hay thừa thì hiệu trưởng các nhà trường công lập không thể quyết định được khâu nhân sự.
Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng đối với năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thực hiện quyết định này, ngày 02/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 3585/BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023.
Nếu chúng ta chỉ nhìn con số tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022-2023 và đem so sánh với các ngành nghề khác rõ ràng thấy số lượng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu lấy con số 27.850 chia đều bình quân cho 63 tỉnh, thành thì mỗi địa phương chỉ có khoảng trên 400 chỉ tiêu mà thôi.
Đặc biệt, theo số liệu thống kê năm học 2019-2020 được công bố trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cả nước có 38.041 trường công lập từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông (hiện nay con số này có thể thay đổi cao hơn hoặc thấp hơn một chút).
Cụ thể: trường Mầm non công lập có 12.104 trường; trường Tiểu học công lập có 12.827; trường Trung học cơ sở công lập có 10.715 trường; trường Trung học phổ thông công lập có 2.395 trường.
Ngoài ra còn có rất nhiều trường Trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên ở tất cả các tỉnh, thành và huyện, thị.
Nếu lấy con số được giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập mà đem chia cho 38.041 trường công lập thì bình quân mỗi trường có 0,73 chỉ tiêu biên chế mà thôi.
Chính vì thế, dù nhiều trường học công lập hiện nay thiếu giáo viên nhưng rất khó tuyển dụng vì không được tự chủ về nhân sự.
Thứ hai: Thực hiện hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập từ Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên các địa phương phải bố trí giáo viên theo định mức quy định.
Đối với những trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp; trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp.
Ở cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,90 giáo viên trên một lớp; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên trên một lớp.
Đối với trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp.
Hướng dẫn, quy định như thế nên các địa phương hiện nay khi giao biên chế cho các trường học phải căn cứ vào số lớp để giao số lượng giáo viên chứ không thể nào làm khác được. Chính vì thế, các trường học hiện nay - nhất là cấp trung học cơ sở đang phân công nhiều giáo viên dạy trái chuyên ngành đào tạo.
Giải bài toán giáo viên lúc này nan giải vô cùng
Không chỉ là năm học 2022-2023 tới đây xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều trường, nhiều địa phương mà những năm tới vẫn sẽ còn tình trạng này bởi giai đoạn từ 2022-2026 toàn ngành được giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên nhưng năm học 2022-2023 đã tuyển 27.850 chỉ tiêu.
Như vậy, 3 năm còn lại chỉ còn 38.130 chỉ tiêu tuyển mới mà thôi.
Bây giờ chỉ còn một cách duy nhất để giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương mà không tăng thêm biên chế là tinh giản biên chế đối với những giáo viên dạy các môn học đang thừa. Nhưng, tinh giản bằng cách nào đây?
Cho những thầy cô giáo cận tuổi hưu về hưu sớm (hiện nay có rất nhiều giáo viên có nguyện vọng) nhưng lại liên quan đến việc giải quyết chế độ của nhà giáo theo quy định hiện hành nên nhiều nơi chưa bố trí được kinh phí để giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên.
Giải quyết theo hướng tinh giản giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì lại càng khó vì gần như giáo viên nào cũng "hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, giáo viên "hoàn thành nhiệm vụ” đã hiếm thì nói gì đến chuyện giáo viên "không hoàn thành nhiệm vụ” 2 năm liên tục?
Giải quyết theo hướng điều chuyển giáo viên những môn thừa từ trường này sang trường khác dạy thì giáo viên không đồng ý và đơn, thư gửi vượt cấp liên tục xảy ra vì ai cũng muốn ở lại.
Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học mới và bắt buộc phải tuyển mới, đó là: giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ ở cấp Tiểu học; giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp Trung học phổ thông.
Ngoài ra, chương trình mới còn thiết kế môn Tiếng Anh dạy tự chọn ở lớp 1, lớp 2 và dạy 2 buổi ở tiểu học nên cũng phải tuyển thêm giáo viên mới đáp ứng được nhu cầu công việc.
Chính vì thế, giải bài toán nhân lực ngành giáo dục khi thực hiện chương trình 2018 là một điều không dễ dàng, nó liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều giáo viên.
Tinh giản giáo viên các môn thừa thì khó vì không có lý do gì để tinh giản họ - trừ trường hợp giáo viên làm đơn xin thôi việc nhưng nhiều môn học bắt buộc phải tuyển mới chứ giáo viên các môn học khác không thể nào cáng đáng được như môn Tin học, Tiếng Anh (cấp tiểu học) và Âm nhạc, Mĩ thuật (cấp Trung học phổ thông).
(Theo GDVN)