Sau một năm thực hiện NQ số 59/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, giúp các CSGD có cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GDĐT; thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia phát triển GDĐT, nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện tốt hơn việc xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục trong nhà trường; giúp cho các CSGD chủ động trong xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; giảm bớt khó khăn cho các CSGD trong khi ngân sách Nhà nước, học phí chưa đáp ứng được hoạt động giảng dạy, học tập...
Trong năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh thu từ nguồn huy động xã hội hóa được gần 150 tỷ đồng; trong đó, khối THPT là 20.550 học sinh, thu được 21,4 tỷ đồng; khối THCS là 57.350 học sinh, thu được 6,3 tỷ đồng; khối tiểu học là 86.480 học sinh, thu trên 44,5 tỷ đồng; khối mầm non là 45.373 học sinh, thu được hơn 76,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện cũng đã phát sinh một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế cũng như quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT như: thu tiền học tiếng Anh ngoài giờ chính khóa với giáo viên người nước ngoài tại các CSGD khi có sự tự nguyện của gia đình học sinh; thu tiền hỗ trợ bảo trì, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất...
Vì vậy, để việc quy định về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ HĐGD được đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, giúp các CSGD thực hiện đúng hướng, tránh việc lạm thu trong các CSGD thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung NQ 59.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 59 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ HĐGD đối với CSGD công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 - 2022 bổ sung nội dung thu hỗ trợ sửa chữa, bảo trì đồ dùng, thiết bị dạy học; mua sắm vật tư phục vụ học tập của học sinh; hỗ trợ bảo trì, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất. Mức thu theo thỏa thuận nhưng không quá 200.000 đồng/học sinh/năm học.
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GDĐT cho biết: do kinh phí chi hoạt động của các CSGD còn hạn hẹp nên việc bảo trì, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất còn khó khăn dẫn đến các tài sản phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập sau khi được đầu tư, mua sắm nhanh xuống cấp. Vì vậy, đề xuất bổ sung nội dung thu hỗ trợ bảo trì, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và nâng mức thu từ không quá 100.000 đồng/học sinh/năm học lên không quá 200.000 đồng/học sinh/năm học là để phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định thu tiền học tiếng Anh ngoài giờ chính khóa với giáo viên người nước ngoài tại các CSGD khi có sự tự nguyện của gia đình học sinh. Với mức thu không quá 25.000 đồng/học sinh/buổi, việc cho phép thu tiền học tiếng Anh ngoài giờ chính khóa với giáo viên người nước ngoài tại các CSGD khi có sự tự nguyện của gia đình học sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng học ngoại ngữ, giúp học sinh nâng cao khả năng nghe nói tiếng Anh, xây dựng môi trường học ngoại ngữ trong trường học.
Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ HĐGD đối các CSGD căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn, được phép thỏa thuận với cha mẹ học sinh với từng vùng sẽ giảm bớt khó khăn cho gia đình học sinh tại những vùng không thuận lợi; huy động được đông đảo nhân dân tham gia vào HĐGD, giúp các CSGD tăng nguồn thu, tự chủ một phần chi phí trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước cấp chi cho các HĐGD còn hạn chế.
Bà Hoàng Thị Lan Hương - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: sau khi NQ ban hành, các cấp, ngành, địa phương cần tuyên truyền, phổ biến; chỉ đạo, hướng dẫn các CSGD quản lý các khoản thu, chi theo quy định hiện hành, thực hiện giảm trừ mức thu đối với những khoản thu đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ và nguồn kinh phí khác của đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra thực hiện NQ bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc quy định về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ HĐGD, giúp các CSGD thực hiện đúng hướng, tránh việc lạm thu trong các CSGD.
Đức Toàn