Phụ huynh bức xúc với các khoản lạm thu đầu năm học

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/9/2022 | 7:06:10 AM

Ngăn chặn các khoản lạm thu, thu tự nguyện nhưng lại “cào bằng” là vấn đề luôn khiến phụ huynh bức xúc, các nhà quản lý đau đầu mỗi khi vào năm học mới.

Đầu năm học mới, phụ huynh phải đối mặt với nhiều khoản chi mua sắm sách vở, đồng phục, đồ dùng thiết yếu.
Đầu năm học mới, phụ huynh phải đối mặt với nhiều khoản chi mua sắm sách vở, đồng phục, đồ dùng thiết yếu.

Vẫn xuất hiện các khoản thu trái quy định

Mặc dù đã vào năm học được gần 1 tháng, nhưng các trường phổ thông công lập của Hà Nội đến thời điểm này tạm thời vẫn chưa thu học phí với tinh thần sẽ tiếp tục được hỗ trợ giảm mức thu vì ảnh hưởng dịch bệnh. Điều này giúp hàng triệu gia đình vơi bớt gánh lo những khoản đóng góp đầu năm học bên cạnh tiền mua sắm sách vở, đồng phục… Tuy nhiên, vấn đề các khoản thu tự nguyện "núp bóng” Ban phụ huynh vẫn xuất hiện dưới nhiều hình thức dù các cấp quản lý liên tục có văn bản nhắc nhở, yêu cầu thanh kiểm tra.

Mới đây nhất, nhiều phụ huynh học sinh trường Mầm non Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc về việc nhà trường dùng một phần tiền thu thêm của một số lớp để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất như lợp mái tôn sân chơi, làm sân sau các lớp, mua máy in, máy tính... mà không có sự thỏa thuận. Sự việc khiến các phụ huynh bất bình là nhà trường thu tiền của 6 lớp xã hội hóa, nhưng chỉ để lại 50% số tiền đóng góp, còn 50% trích lại để nhà trường chi các khoản cơ sở vật chất chung. 

Trước phản ánh của phụ huynh, ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, ngày 17-9, đơn vị đã làm việc với Ban Giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh trường Mầm non Cự Khê và thống nhất: Kinh phí của phụ huynh đóng góp để phục vụ trực tiếp cho học sinh, nhà trường không được dùng vào việc khác. Phòng đã chỉ đạo trường triển khai các khoản thu xã hội hóa, tài trợ... đúng quy định, có sự đồng thuận của phụ huynh và phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Mặc dù, việc thu chi đầu năm học của các trường đã được quy định rõ, khoản nào được vận động thu từ phụ huynh, khoản nào tuyệt đối không được thu, nhưng một số trường vẫn đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng tiền trái quy định như vụ việc tại trường Tiểu học Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mới đây cũng khiến phụ huynh rất bức xúc. 

Một giáo viên chủ nhiệm trường này đã thông báo mỗi học sinh phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng và 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi học sinh phải đóng 973.000 đồng. Kèm với thông báo số tiền cần đóng, phụ huynh được "nhắc nhở” đây là "nhập gia tùy tục”, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác…

Còn những phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm. Khi phản ánh lên hiệu trưởng, phụ huynh lại nhận được phản hồi nếu không tin tưởng thì nên chọn môi trường khác cho con em mình. Mặc dù sau khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Anh về làm việc, hiệu trưởng nhà trường đã thừa nhận đã phát ngôn gây hiểu nhầm, nhưng cũng chưa thể thuyết phục được phụ huynh học sinh về việc huy động tiền mua bàn ghế.

Làm gì để kiểm soát các khoản lạm thu?

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đối với những khoản thu đầu năm, không tránh khỏi mỗi lớp lại có một mức thu riêng. Ví dụ có lớp đặt ra mức thưởng cho học sinh đạt giải thưởng cao, có lớp mức thưởng thấp hơn. Có lớp tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, có lớp ít … Do vậy, mức thu thỏa thuận của mỗi lớp sẽ khác nhau tùy theo kế hoạch chi. Tuy nhiên, dù với mức thu chi thế nào thì cũng phải thực hiện trên cơ sở thống nhất toàn trường, những khoản được phép và không được phép thu.

Ban giám hiệu nhà trường đã họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường ngay đầu năm học để đưa ra những đầu mục trong kế hoạch hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp. Trên cơ sở đó, mỗi lớp có kế hoạch thu chi riêng và được Phó Hiệu trưởng phụ trách giám sát, nhà trường tuyệt đối không để phụ huynh đứng ra thu các khoản liên quan đến cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp. 

"Những khoản này, ngoài ngân sách đầu tư, nhà trường có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa từ câu lạc bộ các cựu học sinh thay vì thu từ phụ huynh. Như vậy sẽ không thể phát sinh những khoản thu tự nguyện nhưng lại cào bằng như báo chí vẫn phản ánh”- cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết.

Để hạn chế những vụ việc "nóng” liên quan đến lạm thu, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) đã công khai số điện thoại của đơn vị và cá nhân Trưởng phòng. "Khi triển khai các khoản thu, nhà trường phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp. Mức thu được tính toán trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành” - ông Lê Đức Thuận. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam hướng dẫn: "Để không xảy ra lạm thu ảnh hưởng tới phụ huynh học sinh, đầu tiên phụ huynh cần nắm rõ các quy định của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo về những khoản tiền nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Phụ huynh dứt khoát từ chối nộp những khoản tiền không đúng quy định. Trường hợp giáo viên chủ nhiệm làm sai, phụ huynh thông báo cho hiệu trưởng hoặc gọi đến đường dây nóng của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thanh tra, xử lý kịp thời”. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng khẳng định, việc giám sát, quy định rõ ràng của Ban giám hiệu nhà trường là rất quan trọng để tránh phát sinh các khoản lạm thu trong mỗi nhà trường.

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Trong đó quy định những khoản Ban đại diện không được phép quyên góp, cụ thể gồm các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; Bảo vệ an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

(Theo ANTD)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025 trở đi.

Thí sinh trúng tuyển, nhưng chưa xác nhận nhập học được đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung.

Ngày 23-9, theo kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đợt 1, năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh trên cả nước đã bước vào ngày thứ 6 làm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung.

Trường học ở xã đặc biệt khó khăn Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch điều động giáo viên đang công tác ở các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh từ 10 năm trở lên, có nguyện vọng và đủ điều kiện tiêu chuẩn chuyển công tác về vùng thuận lợi các huyện, thị xã, thành phố năm học 2022 - 2023, để đảm bảo sự công bằng trong ngành giáo dục về phân công, bố trí công tác thực hiện nhiệm vụ.

Trường Mầm non chất lượng cao Kỳ Bá Fairy Dream 2, nơi giáo viên bị nghi có hành vi bạo lực với trẻ.

Làm việc với nhà trường và lực lượng chức năng, bước đầu cô Phạm Thị Thu Tr. thừa nhận dùng gai bưởi bẻ từ cây trồng trong khuôn viên trường châm vào tay một số bé.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục