Năm học 2022 - 2023, 447 trường học trên địa bàn tỉnh đón nhận trên 227.000 học sinh ở các bậc học. Để đảm bảo điều kiện dạy và học tốt nhất cho giáo viên và học sinh, ngành GD&ĐT tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đưa vào sử dụng 214 phòng học mới, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 85,6% (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó: bậc học mầm non 116 phòng, tiểu học 64 phòng, THCS 10 phòng, THPT 24 phòng. Đặc biệt, ngành đã quan tâm rà soát, sắp xếp đảm bảo đủ phòng học để các trường thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Các nhà trường đã tích cực đổi mới công tác quản lý, công tác dạy và học, tăng cường tổ chức các chuyên đề ở các khối lớp, các bộ môn nhằm phát huy phương pháp giảng dạy khoa học sáng tạo, khuyến khích học sinh học tập. Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và duy trì sĩ số học sinh.
Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THPT, trước những yêu cầu mới của Chương trình, ngành giáo dục, các nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT xác định rõ trách nhiệm, tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.
Thầy giáo Hoàng Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên cho biết: "Năm học này, nhà trường có 228 học sinh lớp 10. Sau gần 1 tháng thực hiện Chương trình GDPT 2018, các tiết dạy đã cơ bản thể hiện được những đổi mới trong hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Học sinh hoạt động sôi nổi, hào hứng và tích cực, dễ tiếp cận kiến thức, hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực phù hợp. Những thuận lợi đó là tiền đề quan trọng để nhà trường thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 và nhiệm vụ năm học mới”.
Đối với Trường Mầm non Sunrise, thành phố Yên Bái, để nâng cao chất lượng và tạo môi trường giáo dục hạnh phúc cho hơn 300 trẻ đang theo học, nhà trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo hướng đa năng, hiện đại. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình phòng học tiên tiến nhằm làm sinh động nội dung nuôi dạy trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chú trọng phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, chúng tôi đã mạnh dạn áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại như: Montessori, Stem… để trẻ tiếp cận hoạt động học sáng tạo, bổ trợ kỹ năng mềm, giúp trẻ tự tin, sáng tạo hơn trong học tập, mạnh dạn trong các hoạt động vui chơi và giao tiếp”.
Với quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT tỉnh xác định tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác dạy và học; quan tâm việc sử dụng thiết bị dạy học, học liệu điện tử; đổi mới phương pháp giáo dục; phương pháp kiểm tra, đánh giá người học để nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng chuyển đổi số…
Cùng với đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực để xây nên những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc - tiền đề quan trọng để ngành giáo dục tỉnh đạt được mục tiêu cao nhất của năm học là "Hạnh phúc và chất lượng”.
Thanh Chi