Phó Thủ tướng nói về ''1 khóa, 4 nấc, 2 chìa'' trong tự chủ giáo dục

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/10/2022 | 8:41:41 AM

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ trong giáo dục là "vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội

Phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những khó khăn, bất cập của cả hệ thống - không riêng vấn đề y tế, giáo dục mà cả an sinh xã hội và kinh tế - đã tích tụ từ nhiều năm.

"Có những việc chúng ta đã nhận diện ra thì bây giờ nhận diện rõ hơn, có những tồn tại và bất cập tích tụ thì bây giờ bộc lộ ra sau đại dịch. Không riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển nhất, cũng rất khó khăn, phải đối phó với tình trạng này", ông Đam nói.

Ông Đam dẫn chứng có những nước rất phát triển nhưng đã phải tuyên bố chính thức "nguy cơ sinh viên sẽ bỏ học do giá thuê nhà trọ quá cao". Thậm chí, có những nước rất phát triển bắt đầu phải cắt khẩu phần ăn tại trường của học sinh.

Nhìn về Việt Nam, ông Đam nhấn mạnh mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng "chúng ta vẫn lo rất tốt cho bà con, không chỉ ở vùng đô thị, đặc biệt là cả các vùng núi, vùng dân tộc".

Ông Đam cho biết giáo dục phổ thông Việt Nam đứng trong top 50 quốc gia hàng đầu, đại học phấn đấu ở top 70, giáo dục nghề nghiệp - đã tiến bộ trong những năm qua - hiện đứng khoảng thứ 90. Sự kỳ vọng vào giáo dục là có thật ở tất cả các quốc gia và luôn luôn rất căng thẳng, không chỉ ở các nước đang phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ câu chuyện gần đây nhất, khi sang Việt Nam dự hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, có vị Bộ trưởng ở một đất nước có nền giáo dục rất xuất sắc và từng làm Bộ trưởng Công thương nói rằng: "Khi tôi làm Bộ trưởng Công thương và được chuyển sang làm Bộ trưởng Giáo dục, các thành viên nội các có nói khi anh làm Bộ trưởng Công thương, chỉ có vài nghìn người muốn thay Bộ trưởng, còn sang làm Bộ trưởng Giáo dục hãy sẵn sàng với việc có vài triệu người muốn thay anh".

Từ đấy, ông Đam nhận định ở tất cả các nước phát triển và đang phát triển, y tế cũng như giáo dục có rất nhiều vấn đề.

"Y tế, giáo dục, văn hóa là những ngành trước mắt không làm ra tiền, thành tích không thấy được ngay. Những ngành này muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, bất cập cũng nhiều năm mới bộc lộ và khi bộc lộ cũng mất nhiều năm mới khắc phục được" - ông Đam nhấn mạnh.

Về biên chế, Bộ GD-ĐT lo đào tạo nguồn, lo chuẩn về giáo viên và Bộ muốn rằng "cứ ở đâu có học sinh, phải có giáo viên đủ các môn học và số lượng học sinh trên lớp ít nhất có thể". Theo ông Đam, ở các nước tiên tiến có khoảng 20 học sinh/lớp, Việt Nam hiện nay chuẩn đề ra 35 học sinh/ lớp, nhưng vẫn thiếu.

"Ngành giáo dục lo đào tạo giáo viên, mong có đủ giáo viên, nhưng để có đủ thì phải tăng biên chế. Muốn tăng biên chế mà không phát triển giáo dục ngoài công lập được thì chúng ta phải tăng ngân sách, tăng ngân sách thì không có tiền. Do đó, muốn làm được như vậy, chúng ta phải đồng bộ rất nhiều" - ông Đam nói.

Theo ông, đầu tiên phải phát triển giáo dục ngoài công lập nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, nhưng phải làm sao để giáo dục ngoài công lập phát triển thực chất. Muốn trường học ngoài công lập, bệnh viện ngoài công lập thì phải có nghị quyết, chính sách...

Ông Đam cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học và làm sao có cơ chế để số giáo viên ở đô thị không phải dùng lương từ ngân sách nhà nước, mà có thể từ khoản học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả.

Nói về học phí, ông Đam cho biết cho biết Chính phủ "đã rất cố gắng, nỗ lực" và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao Việt Nam khi với nguồn kinh phí như vậy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế tốt hơn so với những nước có cùng mức chi.

Hiện nay, các trường phổ thông được hưởng 60% từ học phí để lo cho chi chuyên môn. Vừa qua, Chính phủ đưa ra chủ trương không tăng học phí.

"Muốn các trường vận hành được thì ngân sách nhà nước phải bù vào phần lẽ ra phải tăng mà không tăng. Chính phủ đang làm những bước cuối cùng để ban hành nghị quyết theo hướng như vậy" - Phó Thủ tướng thông tin.

Về vấn đề tự chủ, ông Đam chia sẻ "đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay".

"Hai năm qua có giảm nhiều về đầu mối nhưng tổng biên chế vẫn không giảm. Câu chuyện đặt ra là cơ chế quản trị các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học và bệnh viện. Điều này chúng ta vẫn làm nhưng khác thế giới" - ông Đam nhận định.

Theo ông, trên thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó cơ sở được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương, về chi. Nhưng ở Việt Nam, vì thiếu tiền nên thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, nếu lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn. Còn nếu ở mức giá thấp hơn, không lo được đầu tư chỉ chi được thường xuyên là tự chủ được, một mức nữa là tự chủ một phần chi thường xuyên và mức cuối cùng là không tự chủ được.

"Chúng ta ra một phương pháp để quản lý các cơ sở này, chúng tôi vẫn nói với nhau đó là một khóa 4 nấc và 2 chìa. Ví dụ như đại học ở Đức là tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, còn ở chúng ta nếu ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ và chúng tôi rất tha thiết sẽ phải thay đổi việc này" - Phó Thủ tướng bày tỏ.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng - Lò Ngọc Loan chủ trì buổi họp phụ huynh xin ý kiến về các khoản thu - chi đầu năm học tại điểm trường Suối Lóp.

Vào đầu năm học mới, các khoản thu, đóng góp ở các nhà trường luôn là vấn đề nhạy cảm được cả xã hội quan tâm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học mới 2022 - 2023, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các khoản thu, đóng góp đầu năm đến 100% các nhà trường.

Đào tạo học sinh sinh viên phay CNC, tiện CNC tại Trung tâm đào tạo công nghệ cao của trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Ảnh minh hoạ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Viettel Yên Bái tặng học bổng cho 20 em học sinh Trường TH&THCS  xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình và Trường TH&THCS xã Trung Tâm, huyện Lục Yên.

Ngày 27/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Yên Bái phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức trao học bổng Chương trình “Vì em hiếu học” năm 2022. Chương trình được truyền hình trực tuyến tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự buổi lễ.

Một đội dự thi Olympic Vật lí sinh viên toàn quốc lần thứ XXIV năm 2022.

Từ 26 - 29/10, Kỳ thi Olympic Vật lí sinh viên toàn quốc lần thứ XXIV 2022 được tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Phenikaa với sự tham gia của 220 sinh viên, 81 giảng viên đến từ 36 trường ĐH, học viện trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục