Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, hai Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ và Phạm Ngọc Thưởng cùng đại diện các cục, vụ chức năng và hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ lớn của toàn ngành giáo dục hiện nay là triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây là việc lớn, mới và khó với nhiều nội dung công việc mà ngành đã, đang và sẽ triển khai.
"Bộ GD-ĐT sẽ thường xuyên trao đổi với các địa phương về những vấn đề phát sinh để cùng nhau xử lý. Chúng ta cần thẳng thắn trao đổi, xác định những mặt tích cực cũng như tồn tại để cùng tìm giải pháp”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vẫn còn tình trạng chưa thống nhất về cách hiểu chương trình, một số địa phương có cách làm sáng tạo cũng như gặp các điểm vướng, khó khăn khác nhau.
Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng một lần nữa cho rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới thực hiện ở quy mô lớn nên khó tránh khỏi khó khăn, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để cùng tìm cách tháo gỡ.
Cụ thể, theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là nguồn tuyển giáo viên dạy hai môn Tin học và Tiếng Anh cho học sinh khối 3.
"Địa phương đang thiếu 258 giáo viên Tiếng Anh và Tin học, do đó đặt quyết tâm cao về việc khẩn trương tuyển dụng giáo viên. Từ đây đến tháng 1-2023, nếu không tuyển được giáo viên sẽ kiểm điểm trách nhiệm cụ thể các cá nhân”, ông Lê Hoàng Dự cho biết.
Ngoài ra, đối với việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau thông tin, địa phương đã hoàn thành việc biên soạn trong tháng 8-2022. Đề cương nội dung chi tiết đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhưng do quy trình thẩm định quá nhiều khâu (từ lấy ý kiến chuyên gia, phòng GD-ĐT, sở ngành, Thường trực UBND tỉnh...) nên đến nay tài liệu chưa đến tay học sinh.
Tương tự, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Ngọc Châu cho biết, địa phương không gặp khó khăn về kinh phí nhưng vướng khá nhiều cơ chế khi triển khai CT GDPT 2018.
Cụ thể, việc mua sắm trang thiết bị dạy học vướng các yêu cầu về thẩm định giá. Công tác xã hội hoá vướng quy định về đấu thầu, hợp tác công tư.
Còn theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng, tổng kinh phí địa phương phân bổ cho công tác bồi dưỡng thường xuyên và chuẩn hóa trình độ giáo viên là 60 tỷ đồng. Địa phương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ này hiện nay đạt 86%, chủ yếu giáo viên chưa đạt chuẩn tập trung ở bậc tiểu học).
Để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, tỉnh Sóc Trăng tổ chức sắp xếp, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa qua nơi thiếu. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển dụng đang gặp khó do vướng quy định tuyển dụng theo vị trí việc làm ở từng đơn vị khiến nơi nào thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa giáo viên.
"Tôi đơn cử có nơi chỉ cần tuyển 1 giáo viên nhưng có 10 hồ sơ ứng viên dự tuyển, 1 người trúng tuyển, 9 ứng viên còn lại rớt. Trong khi nơi khác, nhu cầu tuyển dụng cũng 1 giáo viên nhưng chỉ có 2 hồ sơ ứng tuyển. Do đó, tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ GD-ĐT có cơ chế cho phép tuyển dụng theo hội đồng tuyển dụng để tận dụng nguồn tuyển giáo viên, ngoài ra hướng dẫn thêm quy định về mức chi kinh phí cho công tác tuyển dụng”, ông Châu Tuấn Hồng nêu ý kiến.
Riêng đối với tài liệu giáo dục địa phương, tỉnh Sóc Trăng nêu bất cập trong quy định về vấn đề in ấn và phát hành. Hiện nay, do chưa có quy định nên các sở ngành lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu, buộc phải sử dụng tạm phương án là chưa in ấn tài liệu, chỉ chuyển file mềm cho giáo viên giảng dạy nhưng về lâu dài cách làm này không ổn do khó khăn về yêu cầu bản quyền.
Đồng cảnh ngộ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong thông tin, tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh đã được phê duyệt nhưng đến nay vướng khâu đấu thầu in ấn nên đành chọn giải pháp hướng dẫn cơ sở giáo dục sử dụng file pdf để triển khai giảng dạy cho các khối 3, 7 và 10).
Trước thực tế này, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đề xuất ý kiến, các bộ ngành cần tạo cơ chế cho phép địa phương tổ chức đấu thầu khâu in ấn tài liệu giáo dục địa phương đối với các nhà xuất bản, hoặc cho phép địa phương thực hiện chủ trương xã hội hóa ngay từ khâu biên soạn nội dung và in ấn tài liệu dạy học. Điều này đồng nghĩa chủ tịch UBND tỉnh, thành phố vẫn có thẩm quyền phê duyệt nội dung nhưng từ khâu biên soạn đến in ấn thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, qua đó tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng dạy học.
Các địa phương cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, hướng dẫn về quy định số tiết dạy định mức cho giáo viên, khung định giá về trang thiết bị trường học…
Chiều nay, Hội nghị tiếp tục thảo luận, ghi nhận các ý kiến đóng góp của các địa phương để khắc phục nhiều bất cập đang tồn tại khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
(Theo SGGP)