Với quan điểm "Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm”, huyện Yên Bình đã có nhiều đổi mới về tư duy lãnh đạo khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển. Đặc biệt, huyện đã hợp tác với Đại học Thái Nguyên mở ra cơ hội trao đổi chuyên môn, tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ…
Ngay sau khi ký kết biên bản hợp tác với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, có chương trình cụ thể chủ động khâu nối, làm việc với các phòng, khoa thuộc Phân hiệu. Phân hiệu đã cử cán bộ đến khảo sát thực tế, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị của huyện triển khai các nội dung hợp tác.
Sau gần 1 năm, đã thực hiện thành công mô hình trồng thử nghiệm giống lúa ST25, diện tích 2 ha với 16 hộ tham gia tại xã Bạch Hà; xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Tày tại xã Xuân Lai; bồi dưỡng 6 lớp ngắn hạn kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao chất lượng cây dưa hấu tại xã Xuân Lai, Phúc An, Yên Thành; tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi Đại Minh tại xã Đại Minh; nâng cao chất lượng gạo Bạch Hà; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị dịch bệnh cho cá nuôi trên hồ Thác Bà tại xã Hán Đà và Phúc An; tập huấn sử dụng các phần mềm quản lý đất đai cho cán bộ cấp xã làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính, trích lục bản đồ thu hồi đất phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Sự hỗ trợ của Phân hiệu đã góp phần để năm 2022 Yên Bình đạt giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên 2.800 tỷ đồng, tăng trên 3,1% so với cùng kỳ, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 28.700 tấn, tăng 2,1% so với năm 2021; tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 7.900 tấn, tăng 4,2%. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: vùng lúa đặc sản trên 200 ha; cây ăn quả có múi trên 1.200 ha; vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.200 lồng cá và 240 ha mặt nước eo ngách nuôi cá trên hồ Thác Bà; vùng rừng sản xuất trên 32.000 ha. Yên Bình là huyện đầu tiên ra mắt Chi hội Du lịch và Hội doanh nghiệp. Yên Bình cũng đứng thứ nhất qua đánh giá xếp hạng bộ thủ tục hành chính đầu năm 2023 trong 9 huyện, thị của tỉnh.
Quý I/2023, Yên Bình đã xây dựng 2 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh: nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế trồng một số cây dược liệu (hoài sơn, bách bộ) dưới tán rừng theo hướng GACP-WHO; đồng thời, tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao chất lượng cây thanh long cho các hộ dân tại 2 xã Mỹ Gia và Cảm Nhân; kỹ thuật chăm sóc, hạn chế hiện tượng khô tép trên bưởi Đại Minh tại xã Đại Minh cho 80 người dân…
Tại buổi làm việc mới đây, hai bên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ một số nội dung về y tế, giáo dục, nông nghiệp… Các phòng, ban của huyện kiến nghị về công tác chuyển đổi số, hỗ trợ công tác tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: "Đơn vị sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ huyện Yên Bình trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu trong thời gian tới, nhất là trong năm 2023”.
Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ về ngoại ngữ, tin học cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của huyện; tập huấn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực hành trong hoạt động khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch, sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh, các hộ dân; triển khai Đề tài nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ bưởi; phát triển ngành thủy sản; chuyển giao các phần mềm chuyển đổi số…
Với những kết quả đã đạt được, Chương trình phối hợp giữa Đại học Thái Nguyên và huyện Yên Bình sẽ là tiền đề quan trọng để huyện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện.
Minh Huyền