10 năm đổi mới giáo dục ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/7/2023 | 1:55:26 PM

YênBái - Kết quả thực hiện thành công Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 là điểm nhấn quan trọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại vùng cao Mù Cang Chải.

Múa khăn trong tiết thể dục giữa giờ tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.
Múa khăn trong tiết thể dục giữa giờ tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

Ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29). Nghị quyết được xem như bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác giáo dục trên cả nước.

10 năm qua, bám sát Nghị quyết, cùng với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải đã có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, của tỉnh Yên Bái nói chung.

Huyện đã ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29, Chương trình hành động số 70-CTr/TU, ngày 20/01/2014 của Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 và các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng các cấp về công tác GD&ĐT trên địa bàn huyện. Hàng năm, huyện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác giáo dục cho ngành GD&ĐT và đảng bộ các xã, thị trấn, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện về GD&ĐT, nhất quán quan điểm "GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. 

Kết quả thực hiện thành công Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 là điểm nhấn quan trọng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 tại địa phương. Nhờ sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ chế chính sách về GD&ĐT đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện. 

Quy mô mạng lưới cơ sở GD&ĐT tiếp tục được mở rộng, sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân với 39 trường và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trong đó có 20 trường phổ thông dân tộc bán trú, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ thường xuyên chuyên cần đạt cao, tỷ lệ học sinh bỏ học thấp (dưới 1%). 

Giáo dục ngoài công lập (mầm non) từng bước phát triển; công tác huy động, duy trì số lượng học sinh được thực hiện tốt, cơ bản không còn học sinh trong độ tuổi ngoài nhà trường, toàn huyện hiện có 5 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, huy động được 1,91% trẻ 0 - 2 tuổi ra lớp. 

Công tác giáo dục dân tộc được chú trọng, hệ thống trường nội trú, bán trú phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo công bằng giáo dục; chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, chất lượng học sinh mũi nhọn từng bước được nâng lên và đi vào chiều sâu, chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì bền vững. 

Xác định đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu hiện nay, huyện quan tâm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực người học, đáp ứng sự phát triển của đất nước và địa phương. 

Tăng cường chỉ đạo triển khai công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống ngành giáo dục của huyện. Đến nay, huyện đã xây dựng thành công 1 kho học liệu số dùng chung của ngành; 37/37 trường xây dựng kho học liệu liên thông với kho dữ liệu của phòng, đăng tải được 1.278 bài lên kho dữ liệu; tổ chức cho 80% giáo viên, học sinh từ lớp 3 trở lên được khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học. 

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh mũi nhọn, huyện đã chỉ đạo ngành GD&ĐT chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT; triển khai thực hiện hiệu quả các chuyên đề giáo dục mầm non. 

Đối với giáo dục phổ thông, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; sử dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. 

Đổi mới kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục giữa các lớp và các cấp học. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; mở rộng hoạt động hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Đẩy mạnh việc dạy ngoại ngữ và tin học; chỉ đạo 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nêu cao tinh thần tự học, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông, phục vụ có hiệu quả công tác giảng dạy. 

Trong giai đoạn 2013 - 2023, Mù Cang Chải đã mở 108 lớp xóa mù chữ với 3.076 học viên trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi cho người dân tại 13 xã; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2015, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xoá mù chữ mức độ 1. Đến nay, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%. 

Ở bậc tiểu học, 100% học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường Tiếng Việt; tỷ lệ học sinh thông thạo Tiếng Việt sau khi hoàn thành chương trình lớp 1 đạt 98%; 100% học sinh lớp 5 được xét hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt tăng từ 7,5% đến 23,97%; tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành giảm từ 1,3% năm 2013 xuống còn 0,8% (giảm 0,5%); tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 0,13% năm 2013 xuống còn 0% năm 2022. 

Ở bậc THCS 100% học sinh được học ngoại ngữ; xét tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 21,22% năm 2013 lên 25,43% năm 2022 (tăng 4,21%); tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm từ 1,28% năm 2013 xuống còn 0,58% năm 2022 (giảm 0,7%); tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 0,47% năm học 2013 - 2014 xuống còn 0,14% năm 2021 - 2022 (giảm 0,33%). 

Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện có 639 lượt học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện; có 56 lượt học sinh THCS đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; có 7 lượt học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; 1 lượt giải khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 4 học sinh đạt giải Ba Cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh cấp tỉnh; đạt giải Ba Cuộc thi Trường học hạnh phúc cấp tỉnh; có 1 học sinh tiểu học đạt giải Khuyến khích quốc gia Cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt; đạt giải Nhì cấp tỉnh Hội thi Giáo dục kỹ năng sống cấp mầm non; 1 giải Khuyến khích "Vì Yên Bái giỏi Tiếng Anh” cấp tỉnh; 1 học sinh đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia Cuộc thi IOE. Trong 10 năm qua, có trên 400 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào lĩnh vực, nhiệm vụ được giao… 

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như mô hình "Huy động tình nguyện viên” trong giáo dục mầm non; vận dụng sáng tạo mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” với các phong trào "Cùng em đến trường”, "Gia đình nói tiếng Việt”, "Câu lạc bộ cha mẹ trẻ”, "Vì sự tiến bộ của học sinh”; gắn xây dựng mô hình "Trường học du lịch”, "Trường học hạnh phúc” với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong trường học; triển khai sáng tạo dạy học nâng cao chất lượng môn học Tiếng Anh và xây dựng môi trường giao tiếp Tiếng Anh trong các trường mầm non, phổ thông trong điều kiện thiếu trầm trọng giáo viên Tiếng Anh; triển khai sáng tạo giáo dục STEM cho học sinh vùng dân tộc…  

Dẫu nhiều những khó khăn trong thực hiện đổi mới giáo dục ở huyện vùng cao như Mù Cang Chải, song 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và sự sáng tạo của toàn ngành GD&ĐT, làm nên một diện mạo mới của giáo dục vùng cao Yên Bái.

Thanh Ba

Tags đổi mới giáo dục Mù Cang Chải

Các tin khác
Thầy giáo Phạm Ngọc Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 9C1.

31/31 học sinh của lớp chuyên Toán 9C1, Trường THCS Archimedes Trung Yên đỗ vào các lớp chuyên ở Hà Nội. Đặc biệt, trong số đó có 22 học sinh đỗ đồng thời cả 3 trường chuyên.

Thí sinh phấn khởi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Đó là thông tin được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái đưa ra trong báo cáo tình hình tổ chức công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023.

So với Nghị định 116 ban hành năm 2016, dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, có nhiều điểm mới.

Thí sinh sau giờ thi môn toán tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức họp báo để thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục