Đây là hoạt động triển khai Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030".
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng, triển khai kế hoạch tại địa phương; bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả của chương trình. Các địa phương xây dựng lộ trình, giải pháp xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu; mua sắm thêm đồ dùng học tập tại vùng khó khăn; ưu tiên bố trí đội ngũ cho các nhóm lớp điểm lẻ...
Theo kế hoạch, năm 2023, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn; tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vùng khó khăn...
Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030" nhằm mục tiêu tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền...
Mục tiêu đến năm 2030, cả nước phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; có ít nhất 25% trẻ em độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến trường; phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ đồ chơi ngoài trời, đồ chơi trong lớp cho các trường học mới và phòng học mới.
Liên quan nội dung này, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX đã có Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 và Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 (gọi tắt là NQ 70 và NQ 32) về một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, trong đó có giáo dục mầm non.
Tuy nhiên sau thời gian đã nảy sinh một số bất cập. Một trong đó là 2 NQ quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh phổ thông nhưng chưa có chính sách hỗ trợ học sinh mẫu giáo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong khi hiện nay, hầu hết các trường ở vùng đặc biệt khó khăn chưa thực hiện được khoản thu tiền nấu ăn trưa do vượt định mức.
Nhằm giải quyết các vấn đề chưa phù hợp, ngày 08/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành NQ số 38/2023/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái từ năm học 2023 - 2024 đến hết năm học 2025-2026. Nghị quyết này đã thay thế NQ 70 và NQ 32, trong đó có 7 chính sách kế thừa NQ 70 và NQ 32 và 7 chính sách ban hành mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Theo đó, NQ có nội dung quy định:
Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới bằng 160.000 đồng/trẻ/tháng cho đến hết năm học đang thực hiện (Mức hỗ trợ bằng mức tiền trẻ mẫu giáo đang hưởng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; tương tự như học sinh bán trú được kéo dài thời gian hưởng chính sách của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP).
Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP: Đối với các cơ sở giáo dục có trên 225 trẻ mầm non, ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ để phục vụ việc nấu ăn tập trung theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, hỗ trợ kinh phí theo định mức khoán bằng 2.400.000 đồng/tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm một lần định mức; mỗi cơ sở giáo dục được bố trí tối đa không quá 10 lần định mức/tháng (bằng định mức quy định theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP).
Khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, được tiếp tục hỗ trợ kinh phí để phục vụ việc nấu ăn đến hết năm học đang thực hiện; mỗi cơ sở giáo dục được bố trí không quá 15 lần định mức/tháng.
Chính sách này sẽ giúp trường mầm non duy trì công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
T.T (BT- VTV)