Bài toán cung - cầu
Hiện nay, việc nhà trường tham gia vào công tác tổ chức tuyến xe đưa đón học sinh mới phổ biến ở các trường tư thục và có rất ít trường công lập triển khai dịch vụ này. Do vậy, với những học sinh đi học xa nhà, phụ huynh phải chủ động tính phương án xe đưa đón con để bố mẹ thì yên tâm công tác còn con cái thì ổn định giờ giấc học tập và đảm bảo an toàn.
Từ thực tế trên, nhiều năm trở lại đây, phương án gom xe, ghép xe trở nên phổ biến. "Muốn ghép xe tuyến Long Biên – Cầu Giấy”, "Đã có xe 4 chỗ tuyến Hà Đông – Xuân Phương (Nam Từ Liêm), tìm thêm 2 bạn”… Đây là những thông tin gom xe được đăng tải thường xuyên trên nhiều hội, nhóm. Các phụ huynh tự gom xe, ghép xe là những người không có thời gian trực tiếp đưa đón con, con học xa nhà và không muốn hoặc không tiện di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng như phương tiện cá nhân.
Thông thường, phụ huynh gom xe sẽ ưu tiên nhóm cùng khu dân cư và học cùng trường. Xe gom là xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ để tối ưu thời gian, quãng đường di chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu ghép xe ngày càng cao cộng việc muốn giảm chi phí, không ít nhà xe đã đưa xe 16 chỗ, 29 chỗ vào khai thác dịch vụ đưa đón học sinh và tự kết nối với phụ huynh để ghép tuyến.
Với nhiều nhóm, việc gom xe được hoàn tất nhanh chóng nhưng cũng có phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang vì không tìm được nhóm để ghép, không tìm thấy tuyến xe phù hợp hay đã có nhóm nhưng chưa có lái xe đủ tin cậy để gửi gắm.
Ngoài yếu tố lái xe thì bạn ghép xe cũng có vai trò quan trọng để việc gom xe được lâu dài, ổn định. Có trường hợp học sinh vừa đi được 1 tháng đã thay đổi phương án di chuyển, dẫn đến việc ghép xe bị xáo trộn bởi lại phải tìm người ghép mới.
Tăng cường quản lý
Nếu sử dụng dịch vụ xe của trường, công tác quản lý xe sẽ được nhà trường thực hiện chặt chẽ theo quy định đã kí kết giữa hai bên. Ngược lại, vì là dịch vụ tự phát, tự kết nối cung – cầu nên việc gom xe, ghép xe là sự thỏa thuận đơn giản giữa lái xe (hoặc chủ xe) và phụ huynh. Thông tin trao đổi giữa hai bên chỉ gồm: Giờ đón- trả; điểm đón – trả và số tiền/tháng. Ngoài ra, không có bất cứ yêu cầu, ràng buộc, thỏa thuận nào được kí kết.
Các cơ quan quản lý cho rằng: Dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô rất phổ biến, nhất là ở thành phố lớn nhưng chưa có bất cứ quy định nào kiểm tra, kiểm soát. Cũng từ đây, nhiều bất cập đã xảy ra, trong đó có dịch vụ tự phát.
Để quản lý chặt chẽ xe loại hình dịch vụvận tải này, Bộ GTVT vừa đề xuất xe đưa đón học sinh bắt buộc có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm.
Theo dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT quy định xe đưa đón học sinh phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe đưa đón học sinh có 2 năm kinh nghiệm.
Đề cập cụ thể về chi tiết đèn cảnh báo, đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết đèn cảnh báo phải phát sáng, có thể xoay, được gắn trên nóc xe hoặc đèn ghi "xe chở học sinh" để khi tham gia giao thông các phương tiện khác có thể nhận diện.
Cơ quan soạn thảo dự tính sẽ không bắt buộc tất cả xe đưa đón học sinh phải dùng màu sơn chung, nhưng cần có các màu sơn đặc trưng để dễ nhận biết.
Các đề xuất nêu trên nhằm phân biệt rõ xe đưa đón học sinh với các xe kinh doanh vận tải khác, tạo cơ chế quản lý chặt xe đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, gắn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và nhà trường vào hoạt động này.
Trước khi có quy định cụ thể, phụ huynh hoặc nhóm phụ huynh sử dụng dịch vụ gom nhóm cần có cách thức kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng và chặt chẽ hơn đối với chủ phương tiện hoặc lái xe; ví như yêu cầu xuất trình bằng lái, kiểm tra niên hạn và các yếu tố kỹ thuật của xe; có soạn thảo, kí kết hợp đồng vận chuyển với lái xe (chủ xe), yêu cầu nhà xe chia sẻ đầy đủ hành trình và có thông tin báo cáo chi tiết việc di chuyển..., mục đích cao nhất là đảm bảo an toàn cho con em mình.
Tại Yên Bái đã có dịch vụ đưa đón học sinh từ năm 2020, khu vực chủ yếu là thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Sau khi dịch vụ ra đời đã đón nhận được nhiều quan điểm đồng tình vì tình trạng an toàn giao thông học đường luôn diễn biến phức tạp, tình trạng ùn tắc trước cổng trường diễn ra thường xuyên, học sinh tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện thiếu ý thức, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Lực lượng chức năng Công an thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên đã hướng dẫn cho các nhà xe và các đơn vị vận tải bổ sung để đảm bảo theo quy định, nhắc nhở các hợp đồng của phương tiện phải gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu.
V.T (BT-KTĐT)